Trần Anh

Giả mạo chữ kí để vay tiền ngân hàng?

Luật sư tư vấn về trường hợp mẹ giả mạo chữ kí của con để lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đi vay thế chấp ngân hàng. Khi đó, hợp đồng có vô hiệu không, ai có nghĩa vụ trả nợ.

Nội dung tư vấn: Chào VP luật sư Minh Gia!Tôi có một vướng mắc mong muốn nhờ giải đáp. Mẹ chồng tôi có việc cần tiền nên đã vay tiền thế chấp bằng GCNQSD đất của gia đình, ba chồng tôi ốm đau, bị tai biến nên không ký tên là người thừa kế trong HĐTD, mẹ tôi đã giả chữ ký của 02 người con trai làm người thừa kế trong HĐTD mà không cho 2 con trai biết. Sau khi mẹ tôi nhận tiền xong một thời gian mẹ tôi mới nói.Xin hỏi LS, việc làm của mẹ tôi có vi phạm pháp luật không? (VP điều khoản điểm nào của Luật) vì tôi cảm thấy mẹ chồng tôi có sự gian đối trong việc giả mạo chữ ký? Trường hợp không may mẹ chồng tôi mất thì 2 con trai của mẹ có phải trả khoản nợ đó không? Đối với Phòng Tín dụng của ngân hàng đã cho mẹ tôi vay vốn như vậy là đúng hay sai (giả sử trường hợp CB tín dụng biết chữ ký của người thừa kế là giả)..

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

 

Trong trường hợp này, đất của gia đình bạn là đất hộ, vì vậy để lấy sổ đỏ đi thế chấp để vay từ ngân hàng thì phải có chữ kí của hai người con trai, bố bạn và theo quy định hợp đồng này phải được công chứng.

 

Trước hết, hành vi làm hồ sơ và sau đó giả mạo luôn chữ kí của hai người con trai là trái với quy định của pháp luật.

 

Căn cứ quy định Điều 122, Bộ luật Dân sự 2015 về giao dịch dân sự vô hiệu:

 

"Điều 122.Giao dịch dân sự vô hiệu

 

Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác."

 

Tham chiếu theo căn cứ trên thì mẹ bạn đã làm hồ sơ giả mạo chữ kí của hai người con trai để hoàn thành việc kí để ủy quyền cho họ nhằm mục đích vay tiền ngân hàng vì lí do cá nhân, như vậy mẹ bạn đã giả mạo chữ kí của người có quyền nên đây được coi là giao dịch dân sự vô hiệu.

 

Căn cứ quy định tại Điều 131, Bộ luật Dân sự năm 2015 về Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu:

 

“1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập;

 

2. Giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

 

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

 

3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

 

4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

 

5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định."

 

Như vậy, giao dịch dân sự trên vô hiệu sẽ không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.  Với hành vi làm giả chữ kí như vậy của mẹ bạn thì bạn có quyền được kiện theo quy định của pháp luật.

 

Nếu hành vi giả mạo chữ kí của mẹ bạn nhằm mục đích lừa dối nhằm chiếm đoạt tài sản vay ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015).

 

Thứ hai, việc mẹ bạn đã thế chấp sổ đỏ để vay ngân hàng, thì mẹ bạn phải có nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng số tiền đó, gia đình bạn không có nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng đối với khoản tiền mà mẹ bạn đã vay.

 

Giả sử trường hợp mẹ bạn chết:

 

Căn cứ quy định tại Điều 615, Bộ luật dân sự 2015 về Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại:

 

“1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

 

3.Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.”

 

Theo quy định nêu trên, khi người vay tiền đã chết thì nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng sẽ do những người thừa kế của người này thực hiện, bao gồm: người thừa kế theo di chúc (nếu người vay tiền bạn để lại di chúc); người thừa kế theo pháp luật.

 

Do đó, ngân hàng có thể yêu cầu những người thừa kế của mẹ bạn (ví dụ như: chồng, các con, cha mẹ đẻ…) thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên, những người này chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi tài sản mà họ được hưởng. Theo đó, bố bạn và hai người con trai có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ do mẹ bạn để lại nhưng chỉ trong phạm vi di sản do mẹ bạn để lại. Toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu/sử dụng của bố bạn, hai người con trai không phải do được thừa kế từ mẹ bạn sẽ không bị kê biên để trả nợ cho Ngân hàng.

 

Thứ ba, đối với hành vi của người cán bộ ngân hàng; nếu cán bộ ngân hàng biết rõ hành vi của mẹ bạn nhưng vẫn giúp, tạo điều kiện cho mẹ bạn thực hiện hành vi thì sẽ bị chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại xảy ra.

 

Trân trọng./

Chuyên viên Lê Nhung - Công ty Luật Minh gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo