Lò Thị Loan

Gây tai nạn giao thông do lỗi cả hai bên thì bồi thường thiệt hại như thế nào?

Xác định trách nhiệm khi gây tai nạn giao thông do có lỗi của cả 2 bên như thế nào? Cụ thể như sau:

 

Nội dung yêu cầu tư vấn: Tôi có người quen, anh ấy điều khiển xe ô tô tải đi đến đoạn đường dốc, đang xuống dốc ( đoạn đường tỉnh lộ ) sau đó anh ấy thấy có xe ô tô đi ngược chiều xin đi trước ( lúc này xe anh ấy còn chưa đi qua hết dốc, xe ô tô ngược chiều kia đang ở đoạn đường hẹp và đang ở dưới dốc)

 Vì vậy anh ấy dừng xe ô tô và quan sát hai gương chiếu hậu thấy không có ai hay phương tiện nào nên anh ấy đã lùi xe, sau đó lùi được khoảng 2 đến 3 mét thì mọi người ở phía trước hô hào anh ấy về việc có tai nạn sau xe anh đang lùi. Vì thế anh ấy dừng xe xuống xe thì thấy có một người và xe máy đang nằm trong gầm xe ô tô anh ấy ( nằm giữa xe ).

Vậy nhờ Luật sư giúp tôi xem xe ô tô lùi kia có vi phạm Luật GTĐB hay không? có bị truy cứu TNHS hay không? Anh ấy có phải bồi thường cho bên người đi xe máy bị tai nạn không? Bồi thường như thế nào? 

Người điều khiển xe mô tô bị tai nạn kia nếu dừng phía sau xe ô tô rồi xe ô tô lùi vào gây tai nạn thì xe mô tô có vi phạm không? Xe mô tô có xác định là không giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước không ( nếu xe mô tô đang dừng bị xe ô tô lùi vào, nếu xe mô tô dừng sau xe ô tô với khoảng cách khoảng 5 mét ) 

Ai là người có lỗi trong việc tai nạn trên? mong luật sư giúp tôi giải đáp những thắc mắc trên! Tôi cảm ơn! 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia của chúng tôi, trường hợp của bạn được tư vấn như sau:

 

Thứ nhất: về xác định có hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ hay không? 

 

Thứ nhất người đi mô tô có vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ hay không? 

 

Khoảng cách an toàn giữa các phương tiện tham gia giao thông tùy theo điều kiện thời tiết và tốc độ di chuyển của phương tiện. Điều 11 Thông tư 91/2015/TT-BGTVT quy định về giữ khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai xe:

 

“Khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình; ở nơi có biển báo “Cự ly tối thiểu giữa hai xe” phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn số ghi trên biển báo.”

 

Khoảng cách an toàn tối thiểu giữa các xe quy định tại Điều 12 Thông tư 91/2015/TT-BGTVT:

 

- Tốc độ trên 60 km/h đến dưới 80 km/h khoảng cách tối thiểu an toàn là 35m.

 

- Tốc độ từ trên 80 km/h đến dưới 100 km/h khoảng cách tối thiểu an toàn là 55m.

 

- Tốc độ từ trên 100 km/h đến dưới 120 km/h khoảng cách tối thiểu an toàn là 70m.

 

- Tốc độ trên 120 km/h khoảng cách tối thiểu an toàn là 100m.

 

Như vậy, việc xác định người đi mô tô vi phạm quy định trên hay không thuộc thẩm quyền của Cảnh sát giao thông dựa vào biên bản hiện trường. Để xác minh chính xác có lỗi vi phạm hay không cần căn cứ trên kết quả đo đạc các thông số tại hiện trường và các yếu tố khác. Do đó, dựa vào thông tin bạn cung cấp chúng tôi không thể kết luận được hành vi trên của người đi mô tô có phải là hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ hay không. 

 

Thứ hai: Về vấn đề anh bạn gây tai nạn giao thông có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

 

 Điều 16 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định về lùi xe:

 

“1. Khi lùi xe, người điều khiển phải quan sát phía sau, có tín hiệu cần thiết và chỉ khi nào thấy không nguy hiểm mới được lùi.

 

2. Không được lùi xe ở khu vực cấm dừng, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, nơi đường bộ giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, nơi tầm nhìn bị che khuất, trong hầm đường bộ, đường cao tốc.”

 

Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

 

“1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

 

a) Làm chết người;

 

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

 

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

 

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.....”

 

Như vậy, trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra trong trong trường hợp này nếu anh bạn đã vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ về lùi xe dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với Điều Khoản phù hợp theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

 

Thứ ba, việc bồi thường trong trường hợp cả hai bên gây tai nạn giao thông đều có lỗi,

 

 Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

 

“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

 

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

 

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”

 

Khoản 4 Điều 585 quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại:

 

“4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.”

 

Nếu anh của bạn có lỗi trong việc gây tai nạn dẫn đến thiệt hại thì phải bồi thường, nếu bên bị thiệt hại cũng có lỗi thì anh của bạn chỉ phải bồi thường tương ứng với lỗi của mình gây ra. Tuy nhiên nếu anh trai của bạn không có lỗi mà do chiếc xe gặp sự cố dẫn đến tai nạn thì chủ sở hữu, người đang quản lý phương tiện có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra theo quy định tại Điều 601 Bộ luật dân sự năm 2015:

 

“1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

 

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.

 

2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:

 

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

 

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

 

Với vấn đề bồi thường thiệt hại, nếu anh bạn có lỗi hoặc tai nạn là do chiếc xe gặp sự cố gât tai nạn thì đều phải bồi thường. Hai bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.Bạn có thể tham khảo quy định về cách xác định thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng theo quy định tại Điều 589, Điều 590 và Điều 591 Bộ luật dân sự năm 2015.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Gây tai nạn giao thông do lỗi cả hai bên thì bồi thường thiệt hại như thế nào?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV. Nguyễn Thúy -  Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo