Luật sư Việt Dũng

Được người khác nhờ đứng tên trên hợp đồng vay tài sản thì có rủi ro hay không?

Luật sư tư vấn về trường hợp được người khác nhờ đứng tên trên hợp đồng vay tài sản nhưng hiện nay bên nhờ không có khả năng trả nợ. Nội dung tư vấn như sau:

 

Tháng 7/2013 mẹ tôi có đứng tên vay dùm 1 người quen (bên A) 1 số tiền của bên B (cho mượn danh nghĩa vay, nghĩa vụ trả nợ 2 bên kia tự giải quyết). Đến tháng 10/2013, do chị tôi sắp lấy chồng nên bố mẹ có chia tài sản cho ba chị em tôi, có hợp đồng được công chứng rõ ràng. Tuy nhiên sang năm 2015, không biết vì lý do gì, bên A không chịu trả nợ cho bên B. Lúc này bên B yêu cầu mẹ tôi phải trả nợ vì giấy tờ là mẹ tôi đứng tên vay. Sự việc này bên B kiện mẹ tôi ra tòa, theo thỏa thuận khi nào mẹ tôi đòi được tiền bên A thì sẽ trả cho bên B. Nhưng bên B không chấp nhận tòa xử như vậy, tiếp tục kiện mẹ tôi tẩu tán tài sản, vay tiền bên B rồi chia tài sản cho con nhằm trốn tránh trách nhiệm trả nợ, tòa án nhiều lần đòi lên thẩm định tài sản của tôi mặc dù không có tôi. Nay tòa lại tiếp tục mời tôi tham dự phiên thẩm định tài sản là đất của tôi. Xin hỏi, ba mẹ tôi cho tài sản trong thời gian không có tranh chấp kiện tụng gì, vậy thì có hợp pháp không? Bản cho nhận tài sản của ba mẹ cho chị em tôi có bị tuyên bố vô hiệu không? Tôi có thể kiện bên B vì tội gì không ? Tôi có thể thắng trong vụ kiện này không? Mong được quý luật sư giúp đỡ. Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, với vụ việc của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, xét về trách nhiệm cũng như là nghĩa vụ trả nợ khi mẹ bạn đứng tên vay hộ bên A khoản tiền của bên B là có hay không thì cần căn cứ vào hợp đồng vay tiền của mẹ bạn với bên kia.

 

Trường hợp 1 : Nếu bên A có viết giấy ủy quyền cho mẹ chị thực hiện công việc là chỉ đứng tên trên hợp đồng vay tiền và đã có thỏa thuận mọi trách nhiệm, nghĩa vụ của bên vay thuộc về bên A thì khi này mẹ bạn sẽ không có nghĩa vụ trả nợ. Căn cứ theo quy định tại điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:

 

Điều 562. Hợp đồng ủy quyền

 

Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

 

Bản chất của hợp đồng ủy quyền là việc thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền. Nên nếu như trong hợp đồng ủy quyền chỉ thể hiện công việc của mẹ bạn là đứng tên thì chỉ thực hiện đúng công việc này mà không phải thực hiện các công việc khác không được ủy quyền.

 

Trường hợp 2 : Nếu giữa mẹ bạn và bên A có thỏa thuận ủy quyền nhưng khi này xác định công việc ủy quyền là thực hiện vay số tiền này vừa đứng tên vay vừa thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì khi đó bên B yêu cầu mẹ bạn trả tiền thì hoàn toàn có căn cứ. Hoặc trường hợp hai bên không có thỏa thuận về việc này thì căn cứ theo hợp đồng vay tài sản, trách nhiệm của bên vay sẽ thuộc về mẹ bạn và nghĩa vụ trả nợ đương nhiên là mẹ bạn.

 

Như vậy bên B gửi đơn ra Tòa án để yêu cầu giải quyết là có cơ sở, tuy nhiên mẹ bạn có chịu trách nhiệm hay không thì cần căn cứ vào thỏa thuận của các bên trong hợp đồng vay về nghĩa vụ trả nợ. Dựa vào 2 trường hợp trên chúng tôi đã phân tích bạn sẽ đối chiếu lại trong hợp đồng của mẹ bạn để xác định nghĩa vụ.

 

Thứ hai, về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ba chị em có thực hiện thông qua thủ tục công chứng, chứng thực như vậy đã thỏa mãn điều kiện về hình thức của giao dịch.

 

Tuy nhiên nếu như khi này xác định mẹ bạn có nghĩa vụ trả nợ mà mẹ bạn có hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tẩu tán tài sản thì bên B có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó.

 

 

Khoản 2 Điều 75 Luật Thi hành án Dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì:

 

2. Trường hợp có căn cứ xác định giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án để yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó.

 

Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu thì Chấp hành viên yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đó.”

 

Còn trường hợp giao dịch này là hoàn toàn hợp pháp mẹ bạn không có nghãi vụ trả nợ hoặc mẹ bạn không trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thì phía Tòa án nhiều lần yêu cầu định giá tài sản là không đúng theo quy định của pháp luật. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.


CV tư vấn: Hà Tuyền- Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo