Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán hàng hoá có phải bồi thường?

Hợp đồng mua bán hàng hóa là sự thỏa thuận của các bên về đối tượng mua bán, về giá, quyền và nghĩa vụ của các bên. Tuy nhiên, việc mua bán cũng xảy ra khá nhiều tranh chấp xuất phát từ việc một bên vi phạm nghĩa vụ của mình. Do đó, để tránh các vấn đề tranh chấp không mong muốn, các bên cần nắm được các quy định pháp luật đồng thời tôn trọng sự thỏa thuận mà các bên đã cam kết.

1. Luật sư tư vấn về hợp đồng mua bán hàng hóa

Để tránh các tranh chấp và rủi ro cho các bên tham gia mua bán thì trong hợp đồng cần quy định cụ thể về các điều khoản liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên.

Bên cạnh vấn đề vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng thì việc đơn phương chấm dứt hợp đồng từ một bên có thể gây ra thiệt hại rất lớn cho bên còn lại, vậy trách nhiệm pháp lý đối với trường hợp này như thế nào?

Nếu bạn đang gặp vấn đề này và chưa có phương án giải quyết để đảm bảo quyền lợi của mình thì bạn có thể liên hệ với Luật sư của chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn cụ thể.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm trường hợp chúng tôi xử lý sau đây để có thêm kiến thức pháp lý trong lĩnh vực này.

2. Quy định pháp luật về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán hàng hóa

Nội dung hỏi tư vấn:

Kính thưa các luật sư. Tôi muốn hỏi về lĩnh cực sau: Vừa rồi Tôi có ký một hợp đồng mua một gói trở thành thành viên 10 năm của một câu lạc bộ du lịch phối hợp với nứớc ngoài với giá 131 triệu đồng và hợp đồng mua bán Tôi đã ký Tôi đã đặt cọc với số tiền 10 triệu trong ngày ký còn lại sẽ trả làm nhiều đợt do cty đề nghi thanh toán. Tuy nhiên do cảm thấy nhu cầu chưa cần thiết nên Tôi có lên cty trình bày và xin thôi ko mua sản phẩm nữa và đề nghị huỷ hợp đồng tuy nhiên bên cty trả lời Hợp đồng ko thể huỷ vì trong hợp đồng có ghi ràng buộc 1 điều khoản như sau: “ hợp đồng này có giá trị pháp lý và ko thể huỷ bỏ hợp đồng ở bất kỳ thời điểm nào” nên không cho Tôi huỷ mà yêu cầu Tôi phải tiếp tục đóng tiền theo tiến độ và phải trở thành thành viên do đã ký HĐ rồi thì phải làm theo như vậy ko được huỷ. Tôi rất mong nhận đựơc ý kiến tư vấn của qúy luật sư trong thời gian sớm nhất vì mỗi ngày cty đều nhắc Tôi phải thực hiện theo các điều khoản mà đã ký trong HĐ vì đã trễ hạn đóng tiền theo đợt. Nếu tôi vẫn muốn tự ý hủy hợp đồng thì khi cty kiện ra tòa thì Tôi có bồi thường không. Hiện Tôi chưa nhận được sản phẩm và cũng chưa sử dụng. Tôi xin chân thành cảm ơn

Trả lời:

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn chúng tôi đã tư vấn như sau:

Về nguyên tắc hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên trong đó thể hiện quyền và nghĩa vụ của các bên, trách nhiệm của các bên khi vi phạm những thỏa thuận.

Các bên luôn ràng buộc với nhau về trách nhiệm thực hiện, nếu không thực hiện đúng thì phải bồi thường, phạt vi phạm... do đó, mặc dù có quy định là “không thể hủy bỏ hợp đồng ở bất cứ thời điểm nào” nhưng một trong các bên cứ hủy bỏ đồng nghĩa với việc chấp nhận vi phạm và chấp nhận việc xử lý vi phạm theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Do đó việc thỏa thuận không hủy bỏ hợp đồng này sẽ không có ý nghĩa.

Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 về hợp đồng đặt cọc. Cụ thể:

“Điều 328. Đặt cọc

1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Như vậy, vì bạn ký hợp đồng đặt cọc giữa hai bên nên nếu bạn không muốn tiếp tục giao dịch thì phải thỏa thuận với bên bán về việc hủy hợp đồng đặt cọc. Trường hợp, bên bán không đồng ý mà bạn vẫn muốn tiếp tục hủy đặt cọc (vi phạm hợp đồng đặt cọc) thì việc xử lý sẽ theo thỏa thuận của bên thể hiện trong hợp đồng. Trường hợp, hợp đồng không có quy định thì giải quyết theo pháp luật dân sự và khi đó số tiền đã đặt cọc sẽ thuộc về bên nhận đặt cọc.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, căn cứ vào Điều 360 BLDS 2015 quy định như sau:

“Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”

Bên cạnh đó , điều 428 BLDS 2015 quy định như sau:

“Điều 428. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng

1. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

2. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

3. Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán phần nghĩa vụ đã thực hiện.

4. Bên bị thiệt hại do hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng của bên kia được bồi thường.

5. Trường hợp việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng không có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này thì bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan do không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng.”

Như vậy, việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng cần dựa trên các cơ sở:

 - Thỏa thuận của các bên

 - Có hành vi vi phạm hợp đồng

 - Có thiệt hại xảy ra

 - Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại xảy ra

 - Người vi phạm hợp đồng có lỗi

Trong trường hợp của bạn, nếu hai bên không thể thỏa thuận được và hợp đồng mua bán cũng không quy định cụ thể về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng thì Tòa án sẽ căn cứ vào thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra để xác định mức độ bồi thường.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo