Luật gia Nguyễn Nhung

Đổi quốc tịch trên giấy khai sinh cho con và làm hộ chiếu cho con tại Việt Nam

Công dân Việt Nam lấy chồng Hoa Kỳ, sinh con đăng ký cho mang quốc tịch Hoa Kỳ nhưng muốn làm lại quốc tịch Việt Nam và làm hộ chiếu cho con tậi Việt Nam ở thành phố Hồ Chí Minh có được không? Nhờ luật sư tư vấn giúp.

Nội dung tư vấn: Chào Anh/ chị. Tôi có 2 câu hỏi nhờ Quý anh/chị hỗ trợ trả lời và hướng dẫn giúp. Chồng tôi là quốc tịch Hoa Kỳ, tôi là người Việt Nam. Hiện chúng tôi đã có 1 bé và đã hoàn tất việc đăng ký giấy khai sinh cho bé tại VN. Và trong giấy khai sinh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, thể hiện quốc tịch là Hoa kỳ. Tôi muốn hỏi:

1. Nếu tôi thực hiện làm Hộ chiếu cho bé tại VN và muốn thể hiện quốc tịch là Việt Nam trên hộ chiếu có được không? Nếu được thì thủ tục như thế nào? Trường hợp tôi là người ngoại tỉnh thì có đăng ký làm hộ chiếu cho con tại TPHCM được không? Và điều kiện là gì?

2.Trường hợp tôi muốn đăng ký lại quốc tịch VN trên giấy khai sinh cho con thì có được không? Và thủ tục như thế nào?

Rất mong Anh/ chị hỗ trợ giải đáp, trả lời. Chúc công ty ngày càng phát triển.Trân trọng. Lương Thanh Hương-- Best regards,

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, thủ tục làm hộ chiếu Việt Nam cho con là người nước ngoài có mẹ là công dân Việt Nam.

 

Hộ chiếu Việt Nam là hộ chiếu được cấp cho công dân Việt Nam để đi lại quốc tế. Nếu dùng hộ chiếu Việt Nam để vào Việt Nam thì người đó sẽ áp dụng quy chế của công dân Việt Nam.

 

Căn cứ theo quy định tại Nghị định 94/2015/NĐ-CP sửa đổi bổ sung nghị định 136/2007/NĐ-CP về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Nếu con bạn dưới 9 tuổi, nếu có đề nghị của cha hoặc mẹ của trẻ em đó thì được cấp chung vào hộ chiếu phổ thông của cha hoặc mẹ.

 

“Điều 5.

 

1. Giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh được cấp riêng cho từng công dân.

 

2. Hộ chiếu phổ thông cấp cho trẻ em dưới 14 tuổi có giá trị không quá 5 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn.

 

3. Trẻ em dưới 9 tuổi được cấp chung vào hộ chiếu phổ thông của cha hoặc mẹ nếu có đề nghị của cha hoặc mẹ trẻ em đó. Trong trường hợp này, hộ chiếu có giá trị không quá 5 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn.

…”

 

Về thủ tục cấp hộ chiếu, căn cứ theo Điều 15 cùng Nghị định 94/2015/NĐ-CP có quy định như sau:

 

Trường hợp 1: Công dân Việt Nam ở trong nước đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông theo những quy trình sau:

 

+ Hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu:

 

* Đối với trường hợp nộp trực tiếp:

 

- Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông theo mẫu quy định.


Đối với trẻ em dưới 14 tuổi thì cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em đó khai và ký vào tờ khai; nếu cha hoặc mẹ có nhu cầu cho con dưới 9 tuổi đi cùng hộ chiếu thì khai chung vào tờ khai của mình.



- Bản sao giấy khai sinh của trẻ em dưới 14 tuổi.



Khi nộp hồ sơ phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân còn giá trị của người đề nghị cấp hộ chiếu để kiểm tra, đối chiếu; trường hợp ở nơi tạm trú thì xuất trình thêm sổ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền cấp.

 

 

Trường hợp 2: Công dân Việt Nam đang ở nước ngoài đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông thì nộp hồ sơ tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

 

Hồ sơ gồm:

 

- Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu theo mẫu quy định;

 

- Giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam;

 

- Bản sao giấy khai sinh nếu người đề nghị cấp hộ chiếu dưới 14 tuổi.

 

Trường hợp cha hoặc mẹ có nhu cầu cho con dưới 14 tuổi đi cùng hộ chiếu thì khai chung vào tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu của mình.

 

Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trả kết quả cho người đề nghị trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ. Cơ quan đại diện Việt Nam tại Hoa Kỳ là Đại sứ quán (Washington, D.C); Tổng lãnh sự quán (Houston; New York City; San Fancisco).

 

Thứ hai, người khác tỉnh làm hộ chiếu cho con ở thành phố Hồ Chí Minh.

 

Theo Điều 15 Nghị định 94/2015/NĐ-CP nêu trên có quy định về hồ sơ phải nộp khi làm hộ chiếu là “trường hợp ở nơi tạm trú thì xuất trình thêm sổ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền cấp”, do vậy có nơi đăng ký thường trú hoặc sổ đăng kí tạm trú tại thành phố Hồ Chí Minh là điều kiện bắt buộc để được cấp hộ chiếu đối với những người ngoại tỉnh, nếu chị không có sổ đăng kí tạm trú KT3 tại Thành phố Hồ Chí Minh thì anh phải xin được cấp sổ KT3 để có đủ hồ sơ làm hộ chiếu tại Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Thứ hai, về đăng ký quốc tịch Việt Nam cho công dân nước ngoài có mẹ đẻ là người Việt Nam.

 

Căn cứ vào Điều 19 Luật quốc tịch 2008 sửa đổi 2014 về điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam như sau:

 

“Điều 19. Điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam

 

1. Công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam thì có thể được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu có đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;

 

b) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam;

 

c) Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam;

 

d) Đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam;

 

đ) Có khả năng đảm bảo cuộc sống tại Việt Nam.

 

2. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải có các điều kiện quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều này, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

 

a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;

 

b) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

 

C) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

3. Người nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người quy định tại khoản 2 Điều này, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép.

…”

 

Căn cứ vào Bộ luật dân sự 2015, do khi đăng ký khai sinh gia đình bạn đã lựa chọn quốc tịch Hoa Kỳ cho con nên muốn trở về quốc tịch Việt Nam cần có điều kiện “có năng lực hành vi dân sự đầy đủ” là yêu cầu con bạn phải từ đủ 18 tuổi trở lên mới được nhập quốc tịch Việt Nam, do con bạn thuộc trường hợp con đẻ của công dân Việt Nam nên sẽ được miễn các điều kiện tại điểm c, d, đ khoản 1 Điều 19 Luật quốc tịch nêu trên.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.

CV tư vấn: Nguyễn Thị Nhung - Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo