Trần Tuấn Hùng

Đòi lại tiền vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn

Luật sư tư vấn về trường hợp đòi lại phần vốn góp trong công ty và việc giải quyết vụ án khi vắng mặt đơn như sau:


Xin chào luật sư! Nhờ luật sư tư vấn giúp em. 

Trường hợp 1: Em có quen vài người bạn làm chung công ty cũ. Sau khi nghĩ việc, ông A có mở công ty riêng là Công Ty TNHH đại diện chỉ 1 người là anh A luôn. Công ty thành lập tháng 4/2016. Ông A kêu gọi 3 người bạn cùng góp vốn vào công ty cùng hợp tác. Trong thời gian hợp tác và cùng làm việc với vị trí kế toán em nhận thấy công ty hoạt động có hướng gian lận trong kinh doanh, trốn thuế, không hoàn tất việc công nhận các thành viên là cổ đông, nội bộ mâu thuẫn và hiện em đang mang thai bé thứ hai được 4 tháng. Em nhận thấy không thể hợp tác nên em có thông báo ngừng việc và yêu cầu giải quyết việc vốn góp của em. Và phía Ông A cố tình không giải quyết và im lặng. Và gửi email vu khống em biển thủ giấy tờ, thông tin. Nói em không quyền yêu cầu họp yêu cầu giải quyết vốn và bàn giao công viêc tiếp. Em rất sốc và tinh thần khủng hoảng. Em góp vốn 2 lần tất cả đều có giấy chuyển khoản qua ngân hàng từ tài khoản cá nhân của em sang tài khoản cá nhân ông A từ tháng 7/2016 và tháng 11/2016. Ngoài chứng từ này em ra, Công ty có hứa hẹn làm giấy tờ xác nhận cổ đông góp vốn nhưng đến nay vẫn không thưc hiện, kể cả hợp đồng lao động và bảo hiểm xã hội.Tổng số tiền góp: 90.000.000 đ. Em đã gửi thư thông báo trả nợ và đợi đến thời gian gửi đơn lên toà án Tp.HCM. Do số tiền của em nhỏ nên phía luật sư nói phí luật sư cao 30 triệu và chi phí phát sinh. Nên họ sẽ hướng dẫn em làm.Vậy cho em hỏi nếu ra toà, trường hợp của em có cần luật sư không? Và nếu bên bị kiện được toà án gọi lên triệu tập mà họ cố tình không lên toà thì trường hợp của em như thế nào ạ? 

Trường hợp 2: Em trai của ông A tên là B, trong thời gian em còn làm kế toán có nhiều lần mượn tiền riêng của em. Do công ty không có tiền và ông B năn nỉ mượn tiền em, do chỗ quen biết em đã chuyển từ tài khoản cá nhân của em sang tài khoản cá nhân ông B . Việc này có ông A đứng ra bảo lãnh. Tổng cộng 2 lần là 3.000.000 đ. Trong thời gian mượn ông B hứa trả tiền em là 5, 7 lần đủ lý do. Và lần cuối ông B hẹn lần cuối là 26/5 này. Do nhiều lần ông không giữ uy tín nên em có nhờ người chị của ông B can thiệp. Nhưng cuối cùng ông này không trả tiền và thông báo là sẽ trả tiền cho Côg ty kêu em liên hê công ty mà lấy và vừa gọi điên thoại vừa nhắn tin chửi em. Khi mượn tiền nội dung có ghi rõ trên skype và Ôg có xác nhân là mượn tiền cá nhân em qua email. Em không ngờ cho mượn tiền cuối cùng ôm tổn thất tinh thần vào thân như vây. Do số tiền nhỏ giờ em không biết nên nhờ cơ quan nào can thiệp giúp em nữa. Em nhờ luật sư tư vấn giúp ạ.Nếu không có cách giải quyết em lên facebook đăng tin ông B mượn tiền không trả để ông đó hổ thẹn, liệu em làm vậy có bị vi phạm gi không ạ. Thật sự em rất bức xúc hành động của 2 anh em nhà này. Kiện tụng thì rất lâu rườm rà, mà mỗi lần nhắc đến vụ này thì tinh thần em không ổn, sợ ảnh hưởng đến bé đang trong bụng và bé đầu được 2.5 tuổi. Nhờ Luật sư tư vấn giúp em. Mỗi lần có số điện thoại lạ gọi là em rất sợ. Mong sớm được hồi âm

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn cho Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn về vấn đề của bạn như sau:

 

1. Trường hợp thứ nhất

 

Căn cứ Điều 227Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự như sau:

 

“1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

 

Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa.

 

2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:

b) Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;

 

c) Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật;

…”

Nếu bị đơn vắng mặt lần thứ nhất mà không có đơn xét xử vắng mặt thì Tòa án hoãn phiên Tòa, nếu triệu tập đến lần thứ hai và không có đơn xét xử vắng mặt (trừ trường hợp có xảy ra sự kiện bất khả kháng và trở ngại khách quan Tòa án có thể hoãn phiên tòa) Tòa án sẽ tiến hành xét xử vắng mặt và trường hợp của bạn vẫn được giải quyết. Trường hợp của bạn, nếu bị đơn được triệu tập đên lần thứ hai mà vẫn cố tình không đến khi được thì Tòa án sẽ vẫn xử vắng mặt họ, yêu cầu của bạn vẫn được giải quyết.

 

2. Trường hợp thứ hai

 

Thứ nhất, nếu ông B không trả nợ thì bạn cũng có thể kiện lên Tòa để yêu cầu ông B trả tiền, tuy nhiên  bạn không nên kiện mà cố tìm cách để đòi lại vì 3 triệu là số tiền nhỏ có thể tốn nhiều chi phí và thời gian, công sức vì vậy nên cân nhắc.

 

Thứ hai, bạn hỏi nếu đăng tin lên facebook về việc ông H không trả nợ làm ông ấy hổ thẹn thì có vi phạm gì không?

 

Căn cứ Điều 34 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín như sau:

 

“1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

 

2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

 

4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.

 

5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.”

 

Việc bạn đăng tin làm ông H hổ thẹn vi phạm pháp luật vì thông tin đó  ảnh hưởng xấu đến nhân phẩm, danh dự, uy tín của ông B vì theo quy định của pháp luật dân sự cá nhân có quyền được bảo vệ về nhân phẩm, danh dự, uy tín.

 

Nếu thông tin bạn đăng tải ảnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 121 quy định tội làm nhục người khác, Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009.

 

“1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai  năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:

 

a) Phạm tội nhiều lần;

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !

CV tư vấn: Nông Diệp - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo