Nông Bá Khu

Đòi lại di sản thừa kế bị chiếm hữu bất hợp pháp như thế nào?

Luật sư tư vấn vụ việc thực tế về vấn đề đòi lại di sản thừa kế bị chiếm hữu bất hợp pháp theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thưa luật sư gia đình cháu đang xảy ra sự tranh chấp tài sản thừa kế do ông nội để lại. Chuyện là như thế này mong luật sư cho cháu lời khuyên nếu mang ra tòa thì nhà cháu có giành lại được đất không ạ.Ông nội cháu mất năm 1992. Sau khi qua đời ông có để lại cho 3 người con trai 3 suất đất nhưng chỉ là di chúc miệng không được ghi chép lại nhưng có nhiều người làm chứng. Hiện nay bác hai đã chiếm luôn cả suất đất của bố cháu- con út của ông và giấy tờ đất đang mang tên bác hai nhưng 1/2 mảnh đất của bác hai là của bố cháu do ông nội đã chia. Mong luật sư cho cháu lời khuyên với ạ.Nếu nhà cháu đi kiện tụng thì có giành lại được miếng đất không ạ.Cháu xin chân thành cảm ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Về vấn đề của bạn, chúng tôi xin giải đáp như sau:

 

Di chúc có thể được lập bằng văn bản hoặc bằng miệng. Tuy nhiên, di chúc được lập bằng miệng chỉ được coi là hợp pháp nếu thỏa mãn những điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật:

 

Thứ nhất, theo khoản 1 Điều 629 Bộ luật dân sự 2015 : “ trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.”

 

Như vậy việc lập di chúc miệng phải trong trường hợp thực sự cấp thiết do bị bệnh tật hay các nguyên nhân khác mà không thể lập được di chúc bằng văn bản.

 

Thứ hai, khoản 5 Điều 630 Bộ luật dân sự quy định: “Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực".

 

Như vậy di chúc miệng phải có ít nhất hai người làm chứng, người làm chứng không được thuộc một trong những người sau (theo Điều 632):

 

1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.

 

2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.

 

3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

 

- Những người làm chứng ngay sau đó phải ghi chép, cùng kí tên hoặc điểm chỉ vào văn bản đó.

 

- Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng  phải đi công chứng, chứng thực di chúc đó.

 

Theo đó, căn cứ vào  các thông tin bạn cung cấp, thì di chúc của ông bạn đã không hợp pháp. Do đó, phần di sản của ông bạn nếu không thỏa thuân được sẽ được chia theo pháp luật cho 3 người con.

 

Ông bạn có 3 người con trai, và theo quy định của pháp luật thì cả 3 đều cùng một hàng thừa kế và có quyền hưởng di sản như nhau. Tuy nhiên, bác hai của bạn đã chiếm luôn cả suất đất mà ông bạn muốn để lại cho bố bạn và làm giấy tờ mang tên mình, do đó, bố bạn có toàn quyền khởi kiện phần tài sản mà bác bạn đã chuyển nhượng bất hợp pháp sang tên mình.

 

Về trình tự, thủ tục khởi kiện:

 

+ Xác định điều kiện khởi kiện và các điều kiện khác như thẩm quyền toà án xét xử,…

 

+ Thu thập bằng chứng, chứng cứ, tài liệu để chứng minh và bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

 

+ Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện: Hồ sơ khởi kiện có thể bao gồm:

 

- Các giấy tờ về quan hệ giữa người để lại di sản và người khởi kiện để xác định diện và hàng thừa kế;

 

- Giấy chứng tử của người để lại di sản;

 

- Bản kê khai các di sản;

 

- Các giấy tờ, tài liệu chứng minh sở hữu của người để lại di sản và nguồn gốc di sản của người để lại di sản;

 

- Các giấy tờ khác (nếu có).

 

+ Nộp hồ sơ khởi kiện tại Toà án:

 

+ Thực hiện các thủ tục cần thiết sau khi Toà án ra thông báo thụ lý vụ án.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
Luật gia / CV tư vấn: Mai Thị Ngọc Mai - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo