Nguyễn Thu Trang

Đòi cước phí vận chuyển trong trường hợp bên thuê vận chuyển chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán

Hợp đồng dân sự là giao dịch dân sự trong đó các bên tự trao đổi ý chí với nhau nhằm đi đến sự thỏa thuận cùng nhau làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ nhất định. Mặc dù khi giao kết hợp đồng, các bên đã thỏa thuận rõ về quyền, nghĩa vụ nhưng thực tế cho thấy đa phần các trường hợp tranh chấp bắt nguồn từ vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng.

1. Luật sư tư vấn về nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng vận chuyển tài sản

Hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển. Theo đó, bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả đủ tiền cước phí vận chuyển cho bên vận chuyển theo đúng thời hạn, phương thức đã thỏa thuận.

Pháp luật dân sự quy định rất rõ về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng vận chuyển tài sản nhưng loại hợp đồng này vẫn dễ xảy ra tranh chấp, đặc biệt là thanh toán tiền cho bên vận chuyển. Phần lớn bên vận chuyển nhận thanh toán sau khi vận chuyển xong nên khi bên thuê vận chuyển chậm thanh toán hay cố ý không thanh toán thì bên vận chuyển không biết làm thế nào để đòi số tiền vận chuyển?

Nếu bạn đang vướng mắc về vấn đề trên, cần được tư vấn để đảm bảo quyền lợi của mình một cách tối đa, hãy gọi đến Tổng đài Luật sư tư vấn trực tuyến 1900.6169 để chúng tôi có thể giải đáp cho bạn. Bạn có thể tham khảo trường hợp chúng tôi tư vấn sau đây để hiểu hơn về loại hợp đồng vận chuyển tài sản.

2. Tư vấn trường hợp bên thuê vận chuyển tài sản chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán

Câu hỏi tư vấn: Thưa luật sư, em có một vấn đề muốn xin lời khuyên và tư vấn từ luật sư. Công ty em có làm một dịch vụ vận tải cho một công ty A vào tháng 2 dương lịch năm 2018, nhưng đến nay là tháng năm nhưng họ vẫn chưa trả tiền cho công ty em. Em đã nhiều lần đến công ty đòi tiền nhưng kế toán của họ vẫn xin khất và không thanh toán. Bây giờ em muốn họ phải thanh toán tiền cho công ty em thì em phải giải quyết bằng cách nào thưa luật sư? Em rất mong được sự tư vấn của luật sư!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Công ty bạn làm một dịch vụ vận tải cho công ty A, như vậy hai công ty đã thực hiện một hợp đồng vận chuyển tài sản.

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 533 Bộ luật dân sự năm 2015 về cước phí vận chuyển:

“ 2. Bên thuê vận chuyển phải thanh toán đủ cước phí vận chuyển sau khi tài sản được chuyển lên phương tiện vận chuyển, trừ trường hợp có thỏa thuận khác…”

Theo đó thì nếu không có thỏa thuận khác, bên thuê vận chuyển phải thanh toán đủ cước phí vận chuyển sau khi tài sản được chuyển lên phương tiện vận chuyển.

Và căn cứ theo khoản 3 Điều 535 Bộ luật dân sự 2015 thì người vận chuyển có quyền yêu cầu bên thuê vận chuyển thanh toán đủ cước phí vận chuyển đúng thời hạn.

Trường hợp của công ty bạn nếu không có thỏa thuận nào khác về thời gian thanh toán cước phí vận chuyển thì thời gian thanh toán cước phí vận chuyển được áp dụng theo quy định trên đây.

Trường hợp công ty A không thanh toán cước phí vận chuyển và công ty bạn đã nhiều lần yêu cầu công ty A thanh toán nhưng công ty vẫn không thanh toán thì bạn có thể nộp đơn khởi kiện công ty A ra Tòa án có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Theo đó, tùy theo trụ sở tại Công ty thì bạn có thể nộp đơn khởi kiện tại:

+ Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú ( theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015) nếu công ty A có trụ sở tại Việt Nam, không cần phải ủy thác tư pháp.

+ Tòa án nhân dân cấp tỉnh ( theo quy định tại khoản 3 Điều 35 và điểm c khoản 1 Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự ) nếu công ty có trụ sở tại nước ngoài, cần phải ủy thác tư pháp.

Nội dung đơn khởi kiện bao gồm:

Theo quy định tại khoản 4 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì đơn khởi kiện bao gồm những nội dung sau đây:

“ a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;

b) Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;

c) Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).

Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;

d) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);

đ) Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;

e) Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).

Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

g) Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

h) Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);

i) Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện…”

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo