Luật sư Đào Quang Vinh

Đòi chia lại đất thừa kế đã được cấp Giấy chứng nhận thế nào?

Nhờ luật sư tư vấn về yêu cầu chia thừa kế đất đai như sau: Tháng 01 năm 2011 ba tôi đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 1200 mét vuông đất bằng trồng cây hàng năm theo di chúc (có chứng thực của ủy ban nhân dân xã) của ông nội tôi để lại cho ba tôi. (năm 2000 ông nội tôi qua đời, khi ông nội tôi còn sống chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 1200 mét vuông).

 

Tháng 10 năm 2012 ba tôi đã làm thủ tục pháp lý cho tôi 500 mét vuông đất bằng trồng cây hàng năm ( trích từ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 1200 mét vuông đất bằng trồng cây hàng năm) và tháng 01 năm 2013 tôi được ủy ban nhân dân huyện A cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 500 mét vuông. Tháng 10 năm 2015 tôi xin chuyển mục đích sử dụng sang đất ở 120 mét vuông để làm nhà ở và đã được ủy ban nhân dân huyện A ra quyết định cho chuyển mục đích sử dụng 120 mét vuông sang đất ở lâu dài. Tôi đã nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định và đã được Giám đốc văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất của huyện A đã ghi chuyển 120 mét vuông sang đất ở lâu dài và ký đóng dấu vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 500 mét vuông của tôi. Nhưng lại có sự việc như sau: Tháng 03 năm 2014 Cô B là em ruột của ba tôi lại đưa đơn kiện ba tôi ra tòa vì đòi chia thừa kế của 1200 mét vuông mà ông nội tôi đã lập di chúc (có chứng thực của ủy ban nhân dân xã) cho ba tôi đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Xin Luật sư tổng đài tư vấn trả lời giải đáp cho tôi trong trường hợp này, cô B có quyền được chia thừa kế của 1200 mét vuông mà ông nội tôi đã lập di chúc (có chứng thực của ủy ban nhân dân xã) cho ba tôi đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không. Tôi xin chân thành cảm ơn.

 

>> Giải đáp vướng mắc về chia thừa kế Đất đai, gọi: 19006169

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Việc lập di chúc để lại tài sản là việc thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Vì ông nội của bạn lập di chúc và mất năm 2000, do đó để xem xét quyền lập di chúc và tính hợp pháp của di chúc sẽ căn cứ theo quy định tại Bộ luật Dân sự 1995 để giải quyết như sau:

 

Điều 634 Bộ luật Dân sự 1995 quy định về quyền thừa kế của cá nhân như sau:

 

“Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.”

 

Điều 651 Bộ luật Dân sự 1995 quy định về quyền của người lập di chúc như sau:

 

“Người lập di chúc có các quyền sau đây:

 

1- Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;

 

2- Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;

 

3- Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;

 

4- Giao nghĩa vụ cho người thừa kế trong phạm vi di sản;

 

5- Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.”

 

Do đó, ông của bạn có quyền cho bất cứ ai được hưởng phần tài sản của mình. Di chúc mà ông bạn để lại cho ba bạn có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã là hợp pháp. Hiệu lực pháp luật của di chúc được quy định tại Điều 670 Bộ luật Dân sự 1995 như sau:

 

“1- Di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế.

 

2- Di chúc không có hiệu lực pháp luật toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau đây:

 

a) Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;

 

b) Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế.

 

Trong trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế, thì chỉ phần di chúc có liên quan đến người chết trước hoặc cùng thời điểm, đến cơ quan, tổ chức không còn đó là không có hiệu lực pháp luật.

 

3- Di chúc không có hiệu lực pháp luật, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần, thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.

 

4- Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại, thì chỉ phần đó không có hiệu lực pháp luật.

 

5- Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản, thì chỉ bản di chúc sau cùng mới có hiệu lực pháp luật.”

 

Do đó, sau khi ông bạn mất thì ba bạn được hưởng phần di sản mà ông để lại là 1200m2 đất nên ba bạn sẽ là chủ sở hữu của mảnh đất này. Việc cô ruột bạn (cô B) kiện ba bạn ra tòa đòi chia thừa kế 1200 m2 đất sau ngày di chúc có hiệu lực là không có căn cứ pháp luật.

 

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý nếu cô bạn thuộc trường hợp thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo quy định tại Điều 672 Bộ luật Dân sự 1995 thì cô bạn vẫn được hưởng một phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật:

 

“Điều 672. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

 

Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu như di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối hưởng di sản hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại Điều 645 hoặc khoản 1 Điều 646 của Bộ luật này:

 

1- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

 

2- Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.”

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Đòi chia lại đất thừa kế đã được cấp Giấy chứng nhận thế nào?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến  để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

Cv. Bùi Thảo – Công ty luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo