Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Định giá tài sản trong hoạt động tố tụng?

Kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản (HĐĐGTS) là một trong những chứng cứ để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét, giải quyết những vấn đề có liên quan đến tài sản trong các vụ án nói chung.

Do đó, việc xây dựng một hành lang pháp lý hoàn thiện và đồng bộ, đồng thời nhận thức và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về định giá tài sản là cơ sở bảo đảm cho hoạt động này được khách quan, kịp thời, góp phần quan trọng vào việc bổ trợ và nâng cao chất lượng hoạt động tố tụng nói chung và công tác xét xử nói riêng.

 

1.  Định giá tài sản trong tố tụng hình sự

 

Trong Bộ luật Hình sự có rất nhiều tội danh quy định yếu tố giá trị tài sản bị xâm phạm (hư hỏng, huỷ hoại, chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép,...) là một trong những dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Vì vậy, việc xác định giá trị tài sản bị xâm phạm có ý nghĩa quan trọng và mang tính bắt buộc để xác định hành vi xâm phạm về tài sản có phải là tội phạm hay không. Bên cạnh đó, việc định giá tài sản còn là căn cứ để xác định khung hình phạt; đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội khi lượng hình và xác định mức bồi thường cho người bị thiệt hại.

 

Trước đây, do pháp luật chưa quy định cụ thể nên khi tiến hành điều tra các vụ án có tài sản cần phải định giá thì các cơ quan điều tra tự lựa chọn và thành lập HĐĐGTS cho từng vụ việc (không cần quyết định thành lập). Khi đó, trong thành phần HĐĐGTS, nhiều địa phương đưa cả Điều tra viên và Kiểm sát viên đang giải quyết vụ án vào danh sách thành viên của HĐĐGTS. Cơ chế làm việc hai trong một, “vừa đá bóng vừa thổi còi” này nhiều khi không bảo đảm tính khách quan của việc định giá. Mặt khác, các Điều tra viên, Kiểm sát viên là những người không được đào tạo bài bản và không có điều kiện cập nhật pháp luật về lĩnh vực giá nên kết quả định giá sẽ không sát thực.

 

Nhằm khắc phục hạn chế trên, ngày 02/3/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 26/2005/NĐ-CP về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự (TTHS). Nghị định quy định về việc thành lập; quyền, nghĩa vụ của các thành viên HĐĐGTS; nguyên tắc định giá; trình tự, thủ tục yêu cầu và việc định giá tài sản của HĐĐGTS; hồ sơ định giá; chi phí định giá tài sản;... trong TTHS. Có thể nói, Nghị định số 26/2005/NĐ-CP đã bước đầu thiết lập hành lang pháp lý cho công tác định giá tài sản trong TTHS nhằm bảo đảm tính khách quan và nâng cao chất lượng hoạt động này. Tuy nhiên, qua năm năm triển khai cho thấy, các quy định của Nghị định vẫn chưa thực sự “bén duyên” với thực tiễn. Kết quả khảo sát tình hình thực hiện Nghị định số 26/2005/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Quảng Bình của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh là một minh chứng sinh động.

 

1.1. Thành lập Hội đồng định giá tài sản

Điều 5 của Nghị định số 26/2005/NĐ-CP quy định HĐĐGTS được thành lập ở ba cấp: trung ương, tỉnh và huyện. HĐĐGTS ở cấp tỉnh, cấp huyện do Chủ tịch UBND cùng cấp quyết định thành lập theo đề nghị của cơ quan tài chính; HĐĐGTS ở trung ương do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thành lập. Mặc dù nội dung điều luật chưa quy định rõ, nhưng căn cứ vào Điều 6, Điều 11 và Điều 12 của Nghị định này thì có thể khẳng định HĐĐGTS trong TTHS là một tổ chức tồn tại thường xuyên. Bởi lẽ, chỉ khi tồn tại thường xuyên, hội đồng này mới có thành viên thường trực và chỉ khi HĐĐGTS đã được thành lập trước thì yêu cầu định giá của cơ quan tiến hành tố tụng mới phải có nội dung là “tên HĐĐGTS được yêu cầu” và “văn bản yêu cầu định giá tài sản được gửi đến Chủ tịch HĐĐGTS”. Hiện nay, đa số các địa phương đã thực hiện việc thành lập HĐĐGTS trong TTHS tồn tại thường xuyên theo đúng tinh thần quy định nói trên. Tuy nhiên, do pháp luật quy định chưa thật rõ ràng nên đã có những nhận thức chưa đúng và ở một số địa phương chỉ thành lập HĐĐGTS theo từng vụ việc. Theo đó, mỗi khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng về việc định giá tài sản (văn bản yêu cầu gửi đến cơ quan tài chính), thì cơ quan tài chính căn cứ vào loại tài sản cần định giá để lựa chọn các thành viên tham gia định giá rồi trình Chủ tịch UBND cùng cấp ra quyết định thành lập. Thậm chí, có trường hợp lãnh đạo cơ quan tài chính tự lựa chọn thành viên tiến hành định giá mà không cần quyết định thành lập. Những người theo quan điểm này cho rằng việc giao cho Chủ tịch UBND cấp huyện và cấp tỉnh ra quyết định thành lập HĐĐGTS là không phù hợp vì Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh luôn bộn bề công việc, cứ mỗi lần định giá lại phải ban hành quyết định thành lập HĐĐGTS là rất rườm rà, khó thực hiện, làm kéo dài thời gian định giá tài sản. Chính vì hiểu như vậy nên có những địa phương sau hơn bốn năm Nghị định này có hiệu lực vẫn chưa triển khai thành lập HĐĐGTS, ví dụ như Quảng Bình, ở cấp tỉnh đến nay vẫn chưa thành lập HĐĐGTS. Chúng tôi cho rằng, hiểu như vậy là không đúng với các quy định của Nghị định số 26/2005/NĐ-CP. Theo tinh thần của Điều 5, Điều 6, Điều 7 và Điều 12 của Nghị định này, Chủ tịch UBND cấp huyện và cấp tỉnh chỉ cần ban hành quyết định thành lập HĐĐGTS một lần và Hội đồng này tồn tại thường xuyên (dạng như Hội đồng giám định pháp y). Khi cần định giá tài sản, cơ quan tiến hành tố tụng gửi văn bản yêu cầu định giá tài sản đến Chủ tịch HĐĐGTS. Căn cứ vào loại tài sản cần định giá, ngoài thành viên thường trực (một chuyên viên về giá của cơ quan tài chính), Chủ tịch HĐĐGTS lựa chọn thêm những người đại diện các cơ quan, tổ chức chuyên môn là thành viên có tên trong HĐĐGTS mà Chủ tịch UBND đã ra quyết định thành lập để tiến hành việc định giá tài sản.

 

1.2. Thành phần của Hội đồng định giá tài sản

 

Theo quy định tại Điều 6 của Nghị định số 26/2005/NĐ-CP thì HĐĐGTS ở cấp tỉnh và cấp huyện gồm một lãnh đạo cơ quan tài chính cùng cấp làm Chủ tịch Hội đồng, một chuyên viên về giá của cơ quan tài chính là thành viên thường trực; đại diện các cơ quan, tổ chức chuyên môn là thành viên của Hội đồng. Căn cứ vào yêu cầu định giá tài sản của cơ quan tiến hành tố tụng, Chủ tịch HĐĐGTS quyết định thành viên cụ thể cho từng vụ việc. Quy định này được hiểu không thống nhất. Đối với Chủ tịch và thành viên thường trực (thành viên “cứng”- luôn luôn có) của HĐĐGTS thì việc xác định không khó. Tuy nhiên, đối với các thành viên là đại diện các cơ quan, tổ chức chuyên môn, quy định này được hiểu một cách mơ hồ. Có những nơi quyết định thành lập đưa cả lãnh đạo Cơ quan điều tra và lãnh đạo Viện kiểm sát tham gia với tư cách là thành viên của HĐĐGTS. Thậm chí có nơi, ngoài Chủ tịch và thành viên thường trực (thuộc cơ quan tài chính) thì các thành viên còn lại đều là công chức các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự). Việc nhận thức và thực hiện như vậy là không đúng tinh thần quy định của Nghị định số 26/2005/NĐ-CP. Chúng tôi cho rằng, “các cơ quan, tổ chức chuyên môn” ở đây là các cơ quan quản lý hành chính nhà nước về các lĩnh vực như: công nghiệp, thương mại, thông tin, truyền thông, nông, lâm, ngư nghiệp, tài nguyên, môi trường,...; các đơn vị dịch vụ công như: văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất,... các tổ chức như: Hội nông dân,.. là những cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức hoạt động liên quan đến các loại tài sản chứ không phải cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực tố tụng.

 

1.3. Cách thức xác định thành viên của Hội đồng định giá tài sản

Trên thực tế, các nội dung ghi trong quyết định thành lập HĐĐGTS cũng không thống nhất. Có những địa phương trong quyết định thành lập HĐĐGTS ghi một cách chung chung theo nội dung Điều 6 của Nghị định (Chủ tịch là một lãnh đạo cơ quan tài chính, thành viên thường trực là chuyên viên về giá của cơ quan tài chính, các thành viên khác là đại diện các cơ quan, tổ chức chuyên môn) mà không xác định cụ thể họ tên, chức vụ, cơ quan công tác của các thành viên. Có nơi trong quyết định thành lập lại ghi rõ họ tên, chức vụ của Chủ tịch và thành viên thường trực, các thành viên còn lại chỉ ghi đại diện các cơ quan, tổ chức (xác định rõ tên của cơ quan, tổ chức) mà không ghi cụ thể tên người. Ngoài ra, cũng có những nơi trong quyết định thành lập ghi cụ thể họ tên, chức vụ, cơ quan công tác của Chủ tịch Hội đồng và tất cả các thành viên. Chúng tôi cho rằng, về nguyên tắc, việc thành lập Hội đồng phải xác định các thành viên. Pháp luật quy định không rõ ràng như vậy đã dẫn đến sự tùy tiện khi lựa chọn các thành viên tham gia định giá đối với các vụ việc cụ thể. Có nơi mời cả những cá nhân kinh doanh, dịch vụ như: kinh doanh vàng, hàng tạp hóa, sửa chữa ô tô, mô tô,... là thành viên HĐĐG (có quyền biểu quyết về giá) trong khi Nghị định quy định trong trường hợp này phải tiến hành hoạt động khảo sát giá. Ý kiến của những người này đúng ra chỉ mang tính chất tham khảo bằng phiếu khảo sát lưu vào hồ sơ định giá.

 

Nguyên nhân của việc thực hiện không thống nhất các quy định của Nghị định số 26/2005/NĐ-CP trước hết là do lãnh đạo các cơ quan tài chính địa phương, nhất là cấp tỉnh chưa quan tâm chỉ đạo hướng dẫn triển khai thực hiện pháp luật thống nhất nên mỗi nơi thực hiện một kiểu. Theo quy định của Nghị định này thì cơ quan tài chính là cơ quan tham mưu để Chủ tịch UBND cùng cấp ban hành quyết định thành lập HĐĐGTS. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ở nhiều nơi phải đợi sự đôn đốc, kiến nghị nhiều lần của các cơ quan tiến hành tố tụng thì cơ quan tài chính mới thực hiện. Lại cũng có nơi cơ quan tài chính không chủ động thực hiện nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng cũng để mặc, việc định giá tiến hành không đúng thành phần, không đúng thẩm quyền nhưng vụ án vẫn được đưa ra xét xử. Một nguyên nhân quan trọng nữa là, theo quy định của Nghị định thì Chủ tịch và thành viên thường trực của HĐĐGTS luôn phải có mặt tham gia định giá. Thêm nữa, việc định giá đòi hỏi phải kịp thời theo thời hạn tố tụng. Do đó, trong trường hợp Chủ tịch hoặc thành viên thường trực của Hội đồng bị ốm đau, đi học tập, công tác xa lâu ngày thì việc định giá không thể thực hiện được. Xuất phát từ vướng mắc này nên nhiều nơi quyết định thành lập HĐĐGTS ghi một cách chung chung để linh động khi lựa chọn thành viên (nhất là Chủ tịch và thành viên thường trực) tham gia định giá các vụ việc cụ thể. Đây là một sự mâu thuẫn giữa quy định của pháp luật và thực tiễn cần có sự tháo gỡ để pháp luật được thi hành hiệu quả trên thực tế.

 

2. Định giá tài sản trong tố tụng dân sự

 

Điều 92 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (BLTTDS) quy định: Toà án ra quyết định định giá tài sản đang tranh chấp khi có yêu cầu của một hoặc các bên đương sự; các bên thoả thuận theo mức giá thấp nhằm mục đích trốn thuế hoặc giảm mức đóng án phí.

 

2.1. Thành phần tham gia định giá tài sản

Điều 92 BLTTDS quy định HĐĐGTS do Toà án quyết định thành lập gồm Chủ tịch Hội đồng và các thành viên là đại diện cơ quan tài chính và các cơ quan chuyên môn có liên quan. Quy định này được nhận thức và áp dụng chưa thống nhất. Một thực tế xảy ra khá phổ biến hiện nay tại các địa phương khi thành lập HĐĐGTS là ngoài vị Chủ tịch Hội đồng là đại diện cơ quan tài chính, các thành viên khác Toà án thường chọn cán bộ của UBND cấp xã (thậm chí là những người trong ban cán sự thôn, bản) tham gia. Sở dĩ có tình trạng này vì nhiều thẩm phán cho rằng BLTTDS và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định cụ thể cán bộ thuộc cấp nào mới đủ điều kiện tham gia HĐĐGTS, do đó, việc mời cán bộ cấp xã tham gia là không trái pháp luật. Ngoài ra, nguyên nhân khác dẫn đến việc các Toà án “chuộng” cán bộ cấp xã hơn bởi mời cán bộ cấp này tham gia dễ dàng hơn nhiều so với cán bộ của cơ quan cấp huyện, cấp tỉnh. Những cán bộ cấp xã do nhận thức về pháp luật còn hạn chế nên dễ quyết định, bất cứ vấn đề gì, giá theo quy định của Nhà nước hay giá thị trường đều quyết được một cách nhanh chóng. Thậm chí, có thẩm phán còn cho rằng việc định giá phải mời cán bộ cấp xã tham gia để UBND xã đóng dấu thì biên bản định giá mới có giá trị. Chúng tôi cho rằng, việc Toà án mời cán bộ cấp xã tham gia HĐĐGTS là không đúng quy định của pháp luật. Ở địa phương, cấp tỉnh, huyện có UBND các cấp và các cơ quan chuyên môn. UBND các cấp là cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chung, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội. Còn các sở, ban ngành (ở cấp tỉnh); phòng, ban (ở cấp huyện) là các cơ quan chuyên môn tham mưu giúp UBND cùng cấp quản lý nhà nước theo từng lĩnh vực chuyên môn. Như vậy, UBND cấp xã là cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chung mà không phải là cơ quan chuyên môn. Mặt khác, theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành, về cơ cấu tổ chức, UBND cấp xã không có các cơ quan chuyên môn mà chỉ có các cán bộ chuyên môn giúp việc. Trong khi đó, BLTTDS Điều 92 quy định “Hội đồng định giá do Toà án thành lập gồm Chủ tịch Hội đồng và các thành viên là đại diện cơ quan tài chính và các cơ quan chuyên môn có liên quan”. Theo đó, các thành viên tham gia HĐĐGTS phải là cán bộ của các cơ quan chuyên môn. Vì vậy, chỉ các cán bộ làm việc tại các cơ quan chuyên môn cấp huyện trở lên mới đủ điều kiện tham gia HĐĐGTS. Điều luật này cũng quy định “trong trường hợp cần thiết, đại diện UBND cấp xã nơi có tài sản định giá được mời chứng kiến việc định giá”. Do đó, cán bộ của UBND cấp xã chỉ được phép tham gia chứng kiến việc định giá tài sản. Khi HĐĐGTS được Toà án thành lập một cách hợp pháp thì biên bản định giá do HĐĐGTS lập nên được tất cả các thành viên ký tên sẽ có giá trị pháp lý mà không đòi hỏi việc đóng dấu của một cơ quan, tổ chức nào.

 

2.2. Trình tự, thủ tục thành lập Hội đồng định giá tài sản

 

Điều 92 BLTTDS quy định: cơ quan tài chính và các cơ quan chuyên môn có liên quan có trách nhiệm cử người tham gia HĐĐGTS và tạo điều kiện để họ làm nhiệm vụ. Tại tiểu mục 7.2 của Nghị quyết số 04/2005/NQ-HĐTP ngày 17/9/2005 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã hướng dẫn: Toà án phải xem xét tài sản cần định giá là loại tài sản nào, có liên quan đến cơ quan chuyên môn nào, HĐĐGTS cần phải có bao nhiêu thành viên và cần cử đại diện của cơ quan nào làm Chủ tịch HĐĐGTS. Trên cơ sở đó, Toà án có công văn gửi cho các cơ quan chuyên môn đề nghị cử cán bộ làm Chủ tịch và uỷ viên HĐĐGTS,... Sau khi nhận được công văn trả lời của các cơ quan chuyên môn về việc cử người tham gia HĐĐGTS, nếu những người được cử đã đáp ứng được các yêu cầu thì thẩm phán ra quyết định định giá tài sản. Với hành lang pháp lý khá chặt chẽ như vậy thì về mặt lý thuyết, việc Toà án tiến hành định giá tài sản là quá dễ; tuy nhiên, thực tế lại không đơn giản như vậy.

 

Theo trình tự nêu trên thì sau khi nhận được công văn của Toà án, các cơ quan chuyên môn phải có trách nhiệm cử người tham gia HĐĐGTS bằng văn bản gửi cho Toà án. Tuy nhiên, nếu Toà án cứ chờ văn bản trả lời sẽ chẳng bao giờ có. Trên thực tế, các thẩm phán hoặc thư ký phải mang công văn đến từng cơ quan chuyên môn gặp lãnh đạo của các cơ quan đó để trực tiếp trao đổi. Gặp được họ đã khó, nhưng để có công văn cử người tham gia định giá lại càng khó hơn vì hầu hết các cơ quan này đều ngại dính dáng đến những công việc liên quan đến các vụ án nên chỉ giới thiệu bằng miệng. Giới thiệu này không bảo đảm tính pháp lý. Một phần do những khó khăn đã nêu, phần nữa do tác phong làm việc của nhiều thẩm phán còn tuỳ tiện nên có nhiều vụ án không cần đến văn bản cử người tham gia HĐĐGTS của các cơ quan chuyên môn mà vẫn tiến hành định giá. Việc định giá này là không hợp pháp và khi xảy ra trường hợp thành viên HĐĐGTS lợi dụng, cố tình làm trái pháp luật gây thiệt hại cho đương sự thì sẽ không có căn cứ để buộc cơ quan chủ quản của họ bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

 

Một khó khăn khác nữa là hiện nay, ở các cơ quan chuyên môn chưa có cán bộ chuyên trách trong lĩnh vực định giá tài sản. Do đó, việc ấn định được thời gian mà các thành viên đều không bận công tác chuyên môn của họ để tiến hành định giá tài sản là rất khó. Trong nhiều trường hợp Toà án đã thông báo cho đương sự, chính quyền địa phương về thời gian định giá nhưng khi một trong các thành viên của HĐĐGTS có công việc đột xuất là phải hoãn, dẫn đến thời gian giải quyết vụ án kéo dài, gây bức xúc cho đương sự.

 

2.3. Chất lượng của việc định giá

 

Về nguyên tắc, việc định giá phải xác định theo giá của tài sản đó trên thị trường tại thời điểm định giá. Tuy nhiên, thực tế hiện nay là rất nhiều nơi, nhất là ở cấp huyện, việc định giá của các HĐĐGTS chỉ là công việc áp giá theo khung giá do Nhà nước quy định. Ví dụ: định giá quyền sử dụng đất thì áp theo khung giá quyền sử dụng đất do HĐND cấp tỉnh quy định tại địa phương. Chính vì vậy, giá theo kết quả định giá thường thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Sở dĩ có tình trạng này là vì các cơ quan chuyên môn không có cán bộ chuyên trách về công tác định giá tài sản nên không có đủ các thông tin, tài liệu liên quan. Mặt khác, họ cũng không có đủ thời gian để thực hiện việc khảo sát giá thị trường trong khi giá cả luôn có sự biến động. Ngoài ra, thực tế cũng có nhiều loại tài sản mà ở địa phương ít có việc chuyển nhượng loại tài sản đó nên khó xác định được giá theo thị trường.

 

3. Kiến nghị

 

Những hạn chế, khó khăn và vướng mắc trong công tác định giá tài sản như đã nêu là nguyên nhân tất yếu dẫn đến kết quả định giá tài sản không bảo đảm tính khách quan, sát thực và còn làm kéo dài thời gian giải quyết các vụ án. Điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng công tác tố tụng, nhất là công tác xét xử, đến việc thực hiện nguyên tắc công bằng trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Để đạt được mục tiêu trong công tác cải cách tư pháp thì một trong những nhiệm vụ của công tác cải cách tư pháp là phải “hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp” như nội dung Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị đã đề ra. Muốn nâng cao chất lượng công tác định giá tài sản trong hoạt động tố tụng thì khâu đột phá trước hết là cần phải gấp rút hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý trong lĩnh vực này. Hoạt động định giá tài sản cho dù diễn ra trong thủ tục tố tụng nào, hình sự, dân sự hay hành chính đều có mục đích chung là xác định giá trị của tài sản cần định giá, có khác thì cũng chỉ khác ở khâu trưng cầu định giá - điều đã được quy định riêng trong các văn bản tố tụng. Như vậy, việc quy định thành phần tham gia, thành lập, quyền, nghĩa vụ và trình tự, thủ tục định giá tài sản tản mạn trong nhiều văn bản pháp luật như hiện nay là không cần thiết và không phù hợp. Từ đòi hỏi của thực tiễn công tác tư pháp, chúng tôi cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu soạn thảo để ban hành luật hay pháp lệnh về định giá tài sản chung cho cả ba lĩnh vực TTHS, dân sự và hành chính. Luật (hay pháp lệnh) này phải nghiên cứu và khảo sát kỹ thực tiễn để có thể khắc phục những nhược điểm đã phân tích ở trên. Ngoài ra, cần nghiên cứu việc thành lập tổ chức định giá tài sản tồn tại thường xuyên thực hiện dịch vụ bổ trợ tư pháp, có biên chế viên chức, có cơ cấu tổ chức, có con dấu riêng do Sở Tư pháp các địa phương quản lý. Ngoài số biên chế các thành viên thường trực có các thành viên công tác tại các cơ quan, tổ chức ở cấp tỉnh và cấp huyện kiêm nhiệm. Thiết nghĩ, khi các tổ chức định giá tài sản có tính chuyên nghiệp cao thì các quy định về vấn đề này sẽ có sức sống trên thực tế.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo