Luật gia Nguyễn Nhung

Điều kiện và thủ tục nhận nuôi con nuôi

Luật sư tư vấn về trường hợp mẹ đồng ý nhưng cha không đồng ý việc cho nhận nuôi con nuôi


Nội dung tư vấn:

Kính chào quý công ty luật. Thưa quý luật sư tôi có một vấn đề muốn được tư vấn cụ thể sau; hiện giờ tôi đang nuôi 2 đứa con nhỏ 1 đứa học mẫu giáo, 1 đứa vưa được 5 tháng tuổi, tôi và chồng tôi xảy ra nhiều mâu thuẫn nên đã bỏ nhà ra đi một mình tôi vất vả nuôi 2 đứa con ăn học. Trước đây vì mâu thuẫn nên chồng tôi rêu rao khắp nơi là không lấy tôi nữa và đã nộp đơn ly hôn lên UBND xã, xã đã tổ chức buổi hòa giải đoàn tụ nhưng không thành và bảo chồng tôi nộp đơn lên huyện, đến giờ tôi vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Nay do điều kiện không thể nuôi nẫng được nữa tôi muốn cho 1 đứa nhỏ người khác nuôi thì tôi không rõ thủ tục như thế nào, họ bảo phải gọi chồng tôi về kí tên vào tờ giấy nào đấy, tôi đã gọi nhưng chồng tôi nói là không về. Vậy thưa quý luật tôi muốn hỏi là: - để cho người khác nuôi con tôi và họ cần làm những giấy tờ gì ? - nếu cần chữ kí của chồng tôi mà tôi không chịu, chồng tôi làm như vậy chỉ muốn gây khó dễ cho tôi vì chồng tôi cũng rêu rao là "đứa con nhỏ này không phải con của tôi" vậy tôi phải làm thế nào ?( trong giấy khai sinh vẫn ghi tên bố là chồng tôi vì chúng tôi chưa hẳn là ly hôn). Rất mong nhận được sự vấn đáp sớm nhất của quý luật, Xin chân thành cảm ơn.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia chúng tôi, công ty xin tư vấn trường hợp này của bạn như sau:

Tại Điều 21 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 có quy định:

“Điều 21. Sự đồng ý cho làm con nuôi

1. Việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại; nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ; trường hợp nhận trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó.

2. Người đồng ý cho làm con nuôi quy định tại khoản 1 Điều này phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nhận hồ sơ tư vấn đầy đủ về mục đích nuôi con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ và con sau khi người đó được nhận làm con nuôi.

3. Sự đồng ý phải hoàn toàn tự nguyện, trung thực, không bị ép buộc, không bị đe dọa hay mua chuộc, không vụ lợi, không kèm theo yêu cầu trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.”

Như vậy, việc cho nhận con nuôi phải được sự đồng ý của cả cha và mẹ của đứa trẻ. Sự đồng ý này phải hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc và không bị đe dọa, mua chuộc, vụ lợi…

Theo đó, trường hợp của bạn nến không có sự đồng ý của chồng bạn thì bạn không được quyền cho nhận con nuôi cho người khác. Nếu muốn thực hiện việc cho nhận con nuôi thì bạn phải thỏa thuận với chồng bạn để có được sự đồng ý của cả cha và mẹ đứa trẻ.

Trong trường hợp này, với lý do không đủ điều kiện kinh tế để nuôi con, thì khi ly hôn, Tòa án sẽ căn cứ vào điều kiện của mỗi bên để phân chia quyền nuôi con cho vợ chồng bạn. Nuôi con cũng chính là nghĩa vụ của chồng bạn, nên nếu ly hôn thì chồng bạn sẽ phải chăm sóc, nuôi dưỡng con. Nếu chồng bạn từ chối nuôi con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp có sự đồng ý của cả hai vợ chồng bạn thì người nhận nuôi phải làm những thủ tục sau:

Hồ sơ của người nhậnn uôi con quy định tại Điều 17 Luật Nuôi con nuôi 2010:

“Điều 17. Hồ sơ của người nhận con nuôi

Hồ sơ của người nhận con nuôi gồm có:

1. Đơn xin nhận con nuôi;

2. Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;

3. Phiếu lý lịch tư pháp;

4. Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;

5. Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật này.”

Việc đăng kí việc nuôi con nuôi được quy định tại Điều 22:

“Điều 22. Đăng ký việc nuôi con nuôi

1. Khi xét thấy người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi có đủ điều kiện theo quy định của Luật này thì Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, trao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng, tổ chức giao nhận con nuôi và ghi vào sổ hộ tịch trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày có ý kiến đồng ý của những người quy định tại Điều 21 của Luật này.

2. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản cho người nhận con nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng và nêu rõ lý do trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có ý kiến của những người quy định tại Điều 21 của Luật này.

3. Giấy chứng nhận nuôi con nuôi được gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người nhận con nuôi hoặc của người được nhận làm con nuôi.”

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Điều kiện và thủ tục nhận nuôi con nuôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

.
C.V Hoàng Thu - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo