Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Căn cước công dân có thời hạn bao lâu? Điều kiện làm thẻ CCCD?

Căn cước công dân là một trong những loại giấy tờ tùy thân chính của công dân Việt Nam. Đây là hình thức mới của giấy chứng minh nhân dân, có giá trị chứng minh về lai lịch của công dân để thực hiện các giao dịch hành chính trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

1. Căn cước công dân có thời hạn bao lâu?

Theo khoản 1 Điều 19 Luật Căn cước công dân 2014, công dân Việt Nam được cấp thẻ Căn cước công dân lần đầu khi đủ 14 tuổi trở lên. Thẻ Căn cước công dân này chỉ có giá trị sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định và người dân phải đi đổi thẻ Căn cước mới. Cụ thể, Điều 21 Luật Căn cước công dân 2014 quy định về độ tuổi đổi thẻ Căn cước công dân như sau:

“Điều 21. Độ tuổi đổi thẻ Căn cước công dân

1. Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

2. Trường hợp thẻ Căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định tại khoản 1 Điều này thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.”.

Như vậy, theo quy định trên, hạn sử dụng của Căn cước công dân sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của người được cấp. Có ba mốc thời gian hết hạn của thẻ Căn cước công dân là 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Trong 02 năm trước khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi, nếu người dân đi làm thẻ Căn cước công dân mới thì thẻ này sẽ có giá trị tiếp đến mốc tuổi đổi thẻ tiếp theo.

 

2. Câu hỏi tư vấn

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Xin chào Văn phòng Luật sư Minh Gia! Kính nhờ Văn phòng Luật sư Minh Gia tư vấn hỗ trợ hướng dẫn giúp tôi thủ tục và lệ phí trường hợp này: Tháng 10/2014, Tôi có mua 1 căn nhà ở Quận X - Tp.HCM. Sổ tạm trú của tôi hiện đã hết hạn (thời hạn từ 12/2014 đến tháng 12/2016), chưa gia hạn lại. Thành viên trong sổ tạm trú gồm: Tôi, Mẹ và Em Trai. Hộ khẩu gia đình tôi hiện ở Bình Thuận. CMND của tôi do công an tỉnh G cấp đã quá 15 năm. Sổ tạm trú và CMND của tôi hiện đã hết hạn. Liệu tôi có thể làm thủ tục đăng ký thường trú và cấp thẻ căn cước tại TPHCM cùng 1 lúc được không? Rất mong nhận được hỗ trợ của Quý Văn Phòng. Trân trọng!

Trả lời tư vấn:

Chào anh/chị! Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật cư trú năm 2020 thì để được đăng ký hộ khẩu thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh, công dân chỉ cần có chỗ ở hơp pháp thuộc quyền sở hữu của mình tại thành phố Hồ Chí Minh

Còn đối với trường hợp công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình thì phải được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp sau đây:

  • Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;
  • Người cao tuổi về ở với anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột; người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không có khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột, người giám hộ;
  • Người chưa thành niên được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý hoặc không còn cha, mẹ về ở với cụ nội, cụ ngoại, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; người chưa thành niên về ở với người giám hộ.

Như vậy, theo quy định hiện nay, chỉ cần anh/chị có chỗ ở hợp pháp thì hoàn toàn có thể đăng ký hộ khẩu thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh. Mẹ và em trai của bạn cũng có thể cùng đăng ký hộ khẩu thường trú với bạn. Sau khi đăng ký được nơi thường trú, bạn hoàn toàn có thể làm căn cước công dân tại thành phố Hồ Chí Minh.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo