Luật gia Nguyễn Nhung

Điều kiện để lời hứa cho tài sản trở thành di chúc miệng hợp pháp

Tôi và chồng chuyển về sống chung với bà dì từ tháng 1/2017 lúc này sức khỏe bà còn minh mẫn. Bà có nói là sẽ để lại nhà và đất cho ba tôi,có những người thân làm chứng.Hiện tại bà bị nhồi máu não nằm một chỗ,không nhớ ai. Bây giờ ba tôi muốn để lại tài sản của bà cho vợ chồng tôi để ở và thờ cúng ông bà tổ tiên. Nội dung tư vấn như sau:

 

Chào luật sư! Tôi đang gặp vấn đề về việc lập di chúc từ bà dì (e của bà nội) cho vợ chồng tôi nhà và đất.mong luật sư tư vấn,giúp đỡ.Tôi và chồng chuyển về sống chung với bà dì từ tháng 1/2017 lúc này sức khỏe bà còn minh mẫn. Bà có nói là sẽ để lại nhà và đất cho ba tôi,có những người thân làm chứng.Hiện tại bà bị nhồi máu não nằm một chỗ,không nhớ ai.Ba tôi,vợ chồng tôi và con cháu bà cùng chăm sóc bà. Bây giờ ba tôi muốn để lại tài sản của bà cho vợ chồng tôi để ở và thờ cúng ông bà tổ tiên,chăm lo cho bà trong lúc này cũng như hậu sự về sau. Vì chưa có bản di chúc nào từ trước tới giờ nên tôi muốn hỏi cách viết bản di chúc.Chân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn chị đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, với vụ việc của chị chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

 

Bộ luật dân sự 2015 quy định về hình thức của di chúc như sau:

 

“Điều 627. Hình thức của di chúc

 

Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.”

 

Như vậy, dì của chị nếu muốn để lại tài sản cho bố chị và vợ chồng chị thông qua di chúc thì di chúc này phải được lập thành văn bản hoặc có thể là di chúc miêng.

 

Bộ luật dân sự quy định về điều kiện có hiệu lực của di chúc miệng như sau:

 

“Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.”

 

Đối chiếu với quy định trên, việc dì của chị có nói sẽ để lại nhà và đất cho ba chị và có nhiều người làm chứng không thể coi là di chúc miệng được. Khi bà nói ra ý chí của mình đã không có người ghi chép lại, ký tên điểm chỉ và công chứng văn bản.

 

Như vậy, chỉ có dì của chị mới có quyền định đoạt tài sản, về việc sẽ để lại di sản cho ai.

 

Nếu dì của chị lập di chúc bằng văn bản thì cần đảm bảo điều kiện minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép và Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Nội dung di chúc cần thể hiện rõ ý chí của mình về việc phân chia tài sản cho những ai và cụ thể là chia như thế nào.

 

Như thông tin chị cung cấp, hiện tại dì của chị bị nhồi máu não nằm một chỗ, không nhớ ai nên việc bà có thể lập một di chúc hợp pháp như phân tích trên là rất khó. Nếu bà mất không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật.

 

Để tìm hiểu kỹ hơn về việc di sản được chia theo pháp luật như thế nào, chị có thể tham khảo tại bài viết sau: Thừa kế theo pháp luật theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề chị hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, chị vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Hà Diệu Nhung - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo