Luật sư Đào Quang Vinh

Di sản để lại không có di chúc và muốn chuyển thành di sản thờ cúng

Ông bà ngoại đã mất, có để lại ngôi nhà và đất đai, có nói với mẹ em về ở và cho tài sản đó,mẹ e về ở đã nhiều năm, đến nay cũng có sữa chữa nhà. sau khi mất thì ông ngoại ko có để lại di chúc gì cả. Sổ đỏ hiện vẫn còn đứng tên ông ngoại. Ông ngoại có nhiều con nhiều cháu. Em có một số vấn đề thắc mắc và cần được giải đáp.


Xin chào anh chị, Em có vấn đề liên quan đến việc thừa kế tài sản vui lòng tư vấn giúp emÔng bà ngoại đã mất, có để lại ngôi nhà và đất đai, có nói với mẹ em về ở và cho tài sản đó,mẹ e về ở đã nhiều năm, đến nay cũng có sữa chữa nhà. Vấn đề ở đây là sau khi mất thì ông ngoại ko có để lại di chúc gì cả. Sổ đỏ hiện vẫn còn đứng tên ông ngoại. Ông ngoại có nhiều con nhiều cháu.

1/ Theo em tìm hiểu thì nếu ko có di chúc thì phải chia đều cho tất cả các người con. Nhưng hàng thừa kế đó muốn để tài sản đó xem như là di sản thờ cúng. Ko được bán mua gì hết. Có phải di sản thờ cúng thì không được mua bán không. 

2/ Và nếu như vậy thì có làm sổ đỏ gì không?

3/ Và phải có người quản lý di sản thờ cúng, nếu mẹ em là người quản lý di sản thờ cúng thì sau khi mẹ em già yếu thì mẹ em sẽ chỉ định người quản lý di sản đó tiếp hay thế nào?

4/ Người quản lý di sản thờ cúng thì chỉ là 1 người hay có thể từ 2 người trở lên được không?

5/ Mục đích chỉ muốn để lại phần nhà và đất đai đó xem như là để thờ cúng và con cháu tụ họp về, không muốn có tranh chấp vì qua nhiều đời khác nhau.

6/ Để làm thủ tục quản lý di sản thờ cúng này thì cần làm những giấy tờ gì?

Chân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, trường hợp này chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

 

Thứ nhất, vấn đề di sản dùng vào việc thờ cúng và việc cấp GCNQSDĐ

 

Di sản mà ông ngoại bạn để lại không có di chúc cho nên đây không được coi là di sản thờ cúng theo ý chí của người đã chết. Chỉ khi nào có ý chí của người chết để lại nói rõ là di sản thờ cúng thì không được phép mua bán. Còn trong trường hợp này chỉ là phần di sản chia theo pháp luật cho mỗi người. Những người thừa kế này tự thỏa thuận với nhau để xem đó như di sản thờ cúng. Như vậy chỉ hạn chế việc mua bán phần đất này (Vì đây cũng chỉ coi như một phần di sản). Còn nếu để chắc chắn thì những người có di sản thừa kế này nên thỏa thuận với nhau thành văn bản có công chứng chứng thực để tránh trường hợp nếu có người muốn bán phần tài sản của mình trong di sản để lại.

 

Trong trường hợp khi đã có thỏa thuận giữa những thành viên trong gia đình coi phần đất để lại là di sản thờ cúng thì phần đất và nhà này sẽ thuộc sở hữu chung. Khi đã thuộc sở hữu chung thì muốn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì ta sẽ căn cứ theo Khoản 2 Điều 98 Luật đất đai 2013:

 

Điều 98. Nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất:

 

2. Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.”

 

Như vậy, khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) trong trường hợp này có thể ghi tên tất cả những người được hưởng thừa kế.

 

Thứ hai, về việc cử người quản lý di sản

 

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 616 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người quản lí di sản như sau:

 

Điều 616. Người quản lý di sản

 

1. Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra.”

 

Theo đó, mẹ bạn muốn là người quản lí di sản thì phải do những người thừa kế thỏa thuận cử ra. Còn trong trường hợp mẹ bạn già yếu thì những người được thừa kế di sản tiếp tục thỏa thuận với nhau về người quản lí di sản chứ không phải do mẹ bạn chỉ định người quản lí di sản.

 

Việc sẽ có 1 người hay 2 người trở lên quản lí di sản thì sẽ phụ thuộc vào việc thỏa thuận của những người được thừa kế di sản.

 

Thứ ba, việc để lại di sản dùng vào việc thờ cúng

 

Vì đây là tài sản thuộc sở hữu chung, cho nên muốn con cháu đời sau xem phần nhà và đất đó là để thờ cúng và con cháu tụ họp về thì các thành viên được hưởng phần di sản này sẽ thực hiện hợp đồng tặng cho tài sản cho 1 người làm đại diện nhưng là tặng cho với điều kiện: Người được tặng cho không được bán phần di sản này, không lấn chiếm, sử dụng phần di sản này mà không phải vì mục đích thờ cúng. Sau khi người đại diện đó chết sẽ để lại di chúc phần nhà và đất đó là di sản thờ cúng.

 

Khi đã để lại di chúc tài sản để lại là di sản thờ cúng thì đương nhiên sẽ không có ai tranh chấp hay mua bán gì đối với phần di sản thờ cúng đó vì phải theo ý chí của người để lại di sản thừa kế.

 

Thứ tư, thủ tục quản lý di sản

 

Những người thừa kế cần:

 

- Thực hiện thỏa thuận bằng văn bản của những người được thừa kế di sản về người quản lí di sản có công chứng chứng thực.

 

- Thực hiện hợp đồng tặng cho có công chứng chứng thực đối với mục đích chỉ muốn để lại phần nhà và đất đai đó xem như là để thờ cúng và con cháu tụ họp về, không muốn có tranh chấp vì qua nhiều đời khác nhau như đã nêu trên.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Lê Ngọc Linh - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo