Triệu Lan Thảo

Đặt cọc nhưng không lập thành văn bản thi quyền và nghĩa vụ giữa các bên có được đảm bảo?

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Từ khi em được công ty thông báo trúng tuyển đơn hàng đi Đài Loan. Họ yêu cầu em đặt cọc 20 000 000 kèm theo sổ hộ khẩu, băng cấp 3, hộ chiếu, giấy tư pháp, và họ hẹn với em đây là đơn hàng gấp phải chuẩn bị nhanh khoảng hai tuần là có thể bay sang kia. Sau đó em đều làm theo nhưng chưa được ký kết hợp đồng và biên bản cam kết gì hết.

 

Đến bây giờ là đã một tháng rồi mà e vẫn chưa được thông báo gì mới. Vậy nên em mong luật sư tư vấn giúp em làm thế nào để rút lại hồ sơ. và liệu em có được hoàn trả lại tiền đặt cọc không ạ!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo Điều 328 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về đặt cọc như sau:

 

“1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

 

2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

 

Theo quy định hiện hành tại Bộ luật dân sự năm 2015 thì hợp đồng đặt cọc không bắt buộc phải lập thành văn bản. Khi đó, ta có thể hiểu: việc đặt cọc là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, chỉ cần đảm bảo đúng mục đích, ngoài ra không đòi hỏi đáp ứng về điều kiện hình thức xác lập. Do đó, việc ký kết hợp đồng đặt cọc được lập thành văn bản hay không là do hai bên thỏa thuận.

 

Như vậy, trong trường hợp này, hợp đồng đặt cọc giữa bạn và bên kia được giao kết bằng miệng nên vẫn có giá trị pháp lý. Nay, nếu bên công ty nhận đặt cọc từ chối việc giao kết hợp đồng là vi phạm quy định của pháp luật tại Khoản 2 Điều 328 Bộ luật dân sự năm 2015 nên công ty phải trả cho bạn tài sản đặt cọc là 20.000.000 và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp bạn và công ty có thỏa thuận khác.

 

Tuy nhiên, do hợp đồng đặt cọc giữa bạn và công ty không được lập thành văn bản nên nếu có khởi kiện ra Tòa án thì bạn là bên có nghĩa vụ chứng minh việc giao kết hợp đồng đặt cọc giữa các bên.

 

Khi bạn làm hồ sơ giấy tờ và đặt cọc số tiền 20.000.000 cho công ty đó, nếu có giấy tờ chứng minh bạn đã thực hiện những thủ tục trên, giấy hẹn, giấy biên nhận đặt cọc… khi đó bạn sẽ ít gặp rủi ro hơn nếu như xảy ra tranh chấp.

 

Rủi ro xảy ra khi bạn yêu cầu rút hồ sơ và đòi lại khoản tiền đặt cọc, bạn không có căn cứ để chứng minh rằng bạn đã giao cho họ khoản tiền 20 triệu đó. Nếu như phía công ty không có thiện chí, thì bạn có thể mất khoản tiền đó mà không thể đòi lại được.

 

Chính vì vậy, để đảm bảo không bị mất khoản tiền này, bạn chỉ có thể chờ kết quả từ phía công ty, hoặc nếu có thể thì thỏa thuận với họ. Đây là vấn đề mà bạn phải chấp nhận khi bạn đã đặt cọc, giao tiền mà không có văn bản, giấy tờ chứng minh.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Đặt cọc nhưng không lập thành văn bản thi quyền và nghĩa vụ giữa các bên có được đảm bảo?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV. Lương Sen. Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo