Luật sư Phùng Gái

Đăng ký khai sinh cho con và thủ tục cha nhận con có yếu tố nước ngoài?

Câu hỏi tư vấn: Tôi năm nay 28 tuổi, sắp sinh con trong vài bữa nữa. Tôi quê Đồng Nai, hiện đang tạm trú tại thành phố Hồ Chí Minh được 1 tháng. Cách đây một năm khi tôi còn ở Nhật tôi có mối quan hệ với bạn trai người Sri Lanka và chúng tôi chuẩn bị có con, mặc dù chưa đăng ký kết hôn.

 

Vậy:  Sau khi sinh con, tôi có thể đăng ký khai sinh cho con ở đâu nếu tôi không thể về quê Đồng Nai được? Trong khai sinh có thể khai đầy đủ họ tên người cha luôn hay không nếu người cha chưa có điều kiện về Việt Nam mà tôi chỉ có mỗi giấy xét nghiệm ADN? Về việc đặt tên cho con, trong trường hợp khai sinh không thể hiện tên cha, tôi có thể vừa đặt tên tiếng Việt kèm theo phiên âm tiếng Sri Lanka không ạ? Rất mong nhận được sự tư vấn từ phía luật gia. Tôi xin chân thành cám ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo quy định của Luật hộ tịch năm 2014 về đăng ký khai sinh cho con. Cụ thể:

 

Điều 35. Thẩm quyền đăng ký khai sinh

 

Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em trong các trường hợp sau đây:

 

1. Trẻ em được sinh ra tại Việt Nam:

 

a) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;

 

...

 

 

Điều 36. Thủ tục đăng ký khai sinh

 

1. Người đi đăng ký khai sinh nộp giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ là người nước ngoài thì phải nộp văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc chọn quốc tịch cho con.

 

Trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con thì văn bản thỏa thuận phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài mà người đó là công dân.

 

Như vậy, trong trường hợp này khi đăng ký khai sinh cho con thì thực hiện tại nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú). Do đó, đối chiếu với trường hợp của bạn thì khi bạn không thể về quê Đồng Nai nơi đăng ký hộ khẩu trường trú để sinh cũng như đăng ký khai sinh cho con thì bạn có thể làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con tại Hồ Chí Minh (địa chỉ đăng ký tạm trú của mình). Đồng thời, do bố cháu bé là người nước ngoài (Nhật) nên kèm theo hồ sơ đăng ký khai sinh phải có văn bản thỏa thuận về việc lựa chọn quốc tịch cho con.

 

- Thủ tục cha nhận con:

 

Do hai bạn chưa đăng ký kết hôn nên về nguyên tắc khi đăng ký khai sinh cho con mà bạn muốn có thêm tên cha thì phải làm đồng thời thủ tục đăng ký cha nhận con theo quy định tại Điều 44 Luật này và thủ tục đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp, cha cháu bé không thể về Việt Nam để làm thủ tục thì vẫn được giải quyết phải cung cấp đầy đủ tờ khai (theo mẫu), hộ chiếu hoặc giấy tờ chứng minh về nhân thân; giấy tờ xác nhận quan hệ cha con (bản giám đinh ADN...) để làm cơ sở cho Uỷ ban nhân dân giải quyết. Cụ thể:

 

Điều 44. Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con

 

1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc giữa người nước ngoài với nhau thì người nước ngoài phải nộp thêm bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu để chứng minh về nhân thân.

 

Thông tư 15/ 2015/TT-BTP :

 

Điều 11. Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con 

 

Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây: 

 

1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con. 

 

2. Trường hợp không có văn bản quy định tại khoản 1 Điều này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng. 

 

- Đặt họ, tên cho con:

 

Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.

 

Điều 4. Xác định nội dung đăng ký khai sinh, khai tử

 

1. Nội dung khai sinh được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật hộ tịch và quy định sau đây:

 

a) Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán;

 

b) Quốc tịch của trẻ em được xác định theo quy định của pháp luật về quốc tịch

 

Như vậy,  pháp luật không có quy định rõ ràng về việc đặt tên cho con bắt buộc phải là tên Tiếng Việt và không có phiên âm nước ngoài. Mà việc đặt tên cho con được xác định theo thỏa thuận của bạn và bố đứa bé trong tờ khai đăng ký khai sinh. Do vậy, bạn hoàn toàn có thể đặt tên cho con là Tiếng Việt kèm theo phiên âm tiếng Sri Lanka mà không vi phạm quy định pháp luật.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Đăng ký khai sinh cho con và thủ tục cha nhận con có yếu tố nước ngoài?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng


CV P.Gái - công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo