LS Hồng Nhung

Đăng ký kết hôn với người Pakistan cần chuẩn bị những gì?

Công dân Việt Nam muốn đăng ký kết hôn với người nước ngoài cần chuẩn bị những giấy tờ gì? Thẩm quyền đăng ký kết hôn trong trường hợp có yếu tố nước ngoài thuộc về cơ quan nào? Trình tự, thủ tục đăng ký ra sao? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

Nội dung tư vấn: Xin chào luật sư. Năm nay em đã 27 tuổi và người yêu của em 36 tuổi, chúng em quyết định đi đến hôn nhân, nhưng người yêu của em là người nước ngoài, anh ấy sống ở Pakistan. Hiện tại anh ấy đang làm việc ở Việt Nam. Về việc kết hôn, chúng em không biết chính xác cần làm những điều gì, công việc chúng em nhiều và khoảng cách địa lý của hai bên xa nên việc chuẩn bị các giấy tờ chúng em cần chính xác tất cả để chuẩn bị đầy đủ để không mất quá nhiều thời gian cho việc chuẩn bị giấy tờ làm ảnh hưởng nhiều đến công việc của chúng em. Nên em rất mong được luật sư tư vấn và nếu có thể hỗ trợ được cho chúng em thì rất tốt ạ. Em hiện tại đang sống và làm việc ở Q, anh ấy cũng đang làm việc ở Q ạ.

Luật sư cho em hỏi về những tài liệu cần thiết để người nước ngoài kết hôn với một cô gái Việt Nam ạ. Và những giấy tờ đó được chuẩn bị ở nước ngoài hay là có thể chuẩn bị tất cả các tài liệu ở Việt Nam ạ.

Và nếu chúng em muốn làm đăng kí kết hôn ở thành phố H được không ạ. Bây giờ anh ấy đã làm giấy chứng nhận sức khoẻ ở Pakistan và giấy chứng nhận không có kết hôn ở Pakistan rồi ạ. Luật sư hỗ trợ giúp em ạ. Cảm ơn luật sư nhiều ạ. Rất mong nhận được thư của luật sư sớm ạ! Trân trọng!

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, những giấy tờ cần thiết để kết hôn với người nước ngoài:

 

Căn cứ thông tin bạn cung cấp, để có thể kết hôn với người nước ngoài, hai bên nam, nữ cần chuẩn bị các giấy tờ theo quy định tại Điều 30 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hộ tịch 2014 như sau:

 

- Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu;

 

- Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài là giấy do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng xác nhận hiện tại người đó không có vợ hoặc có chồng.

 

Trường hợp người nước ngoài không cấp xác nhận tình trạng hôn nhân thì thay bằng giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật nước đó.

 

Nếu giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài không ghi thời hạn sử dụng thì giấy tờ này và giấy xác nhận của tổ chức y tế theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 Luật Hộ tịch 2014 chỉ có giá trị 6 tháng kể từ ngày cấp.

 

- Bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu (giấy tờ đi lại quốc tế hoặc thẻ cư trú.

 

- Nếu bạn đã ly hôn hoặc hủy việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thì còn phải nộp bản sao trích lục hộ tịch về việc đã ghi vào sổ việc ly hôn hoặc hủy việc kết hôn;

 

- Nếu bạn là công chức, viên chức hoặc đang phục vụ trong lực lượng vũ trang thì phải nộp văn bản của cơ quan, đơn vị quản lý xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không trái với quy định của ngành đó.

 

- Đồng thời, bạn cần chuẩn bị giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Việc cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho bạn sẽ thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã nơi bạn thường trú cấp theo quy định tại Điều 21, Điều 22, Điều 23 Nghị định 123/2015/NĐ-CP. Giấy xác nhận này có giá trị 6 tháng kể từ ngày cấp.

 

Thứ hai, thẩm quyền và thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài

 

Về thẩm quyền đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài được quy định tại Điều 37 Luật Hộ tịch 2014 như sau:

 

“Điều 37. Thẩm quyền đăng ký kết hôn

 

1. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài.

 

2. Trường hợp người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có yêu cầu đăng ký kết hôn tại Việt Nam thì Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của một trong hai bên thực hiện đăng ký kết hôn.”

 

Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên, việc đăng ký kết hôn phải thực hiện tại UBND cấp huyện nơi bạn đang cư trú. Nếu bạn không cư trú tại thành phố H thì bạn không thể đăng ký kết hôn tai thành phố H.

 

Sau khi xác định được các giấy tờ cần chuẩn bị cũng như xác định được cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn cho bạn thì 2 bên nam nữ đến cơ quan có thẩm quyền nộp tờ khai và các giấy tờ khác đã chuẩn bị cho công chức làm công tác hộ tịch. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Tư pháp tiến hành nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ và xác minh nếu cần thiết. Nếu hồ sơ hợp lệ, các bên có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014, không thuộc trường hợp từ chối kết hôn đăng ký kết hôn thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện ký 2 bản chính giấy chứng nhận kết hôn và tổ chức trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho hai bạn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo