Trần Phương Hà

Đăng kí hộ khẩu cho con vào hộ khẩu của bố tại Hà Nội có được không

Nếu có đủ giấy tờ theo các khoản theo quy định thì con tôi có thể đăng ký hộ khẩu theo bố hoặc theo mẹ mà không bắt buộc cả bố mẹ đều chung một hộ khẩu. Tôi đã làm đúng và đầy đủ thủ tục, nhưng phía cơ quan nơi tôi đăng ký lại không làm, và yêu cầu phải có cả bố và mẹ đều mang hộ khẩu hà nội

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Tôi đã đọc các phần tư vấn của văn phòng về các trường hợp về đăng ký hộ khẩu cho con trong trường hợp đăng ký hộ khẩu theo bố hoặc theo mẹ trên địa bàn hà nội. Và tôi được biết nếu có đủ giấy tờ theo các khoản theo quy định thì con tôi có thể đăng ký hộ khẩu theo bố hoặc theo mẹ mà không bắt buộc cả bố mẹ đều chung một hộ khẩu. Tôi đã làm đúng và đầy đủ thủ tục, nhưng phía cơ quan nơi tôi đăng ký lại không làm, và yêu cầu phải có cả bố và mẹ đều mang hộ khẩu hà nội (tôi đang muốn đăng ký hộ khẩu cho con tại hà nội theo hộ khẩu bố, chông tôi hộ khẩu hà nội). Trong trường hợp này thì tôi sẽ làm thế nào,?? Mong văn phòng giải đáp.
Chân thành cảm ơn!
 
Trả lời: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:
 
Trường hợp của bạn muốn đăng kí hộ khẩu cho con theo hộ khẩu của bố (chồng bạn) tại Hà Nội. Hà Nội là thành phố trực thuộc Trung ương.
 
Luật cư trú 2006 có quy định như sau:
 
Điều 20. Điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương
Công dân thuộc một trong những trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:
...
2. Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;
b) Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc chuyển về ở với anh, chị, em ruột;
c) Người tàn tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;
d) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;
đ) Người thành niên độc thân về sống với ông, bà nội, ngoại;
 ...
Chồng bạn có hộ khẩu Hà Nội. Do đó, nếu chồng bạn đồng ý cho con về ở với chồng bạn (cha) thì con bạn sẽ được đăng kí hộ khẩu theo hộ khẩu của chồng bạn mà không nhất thiết bạn và chồng bạn phải chung sổ hộ khẩu hoặc cùng phải có sổ hộ khẩu ở Hà Nội.
 
Như vậy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi bạn đăng kí thường trú cho con bạn đã làm sai thẩm quyền của mình.
 
Về hồ sơ nhập hộ khẩu cho con bạn chung sổ hộ khẩu với chồng bạn tại Hà Nội bao gồm:
 
Điều 6. Hồ sơ đăng ký thường trú

a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;

b) Bản khai nhân khẩu;

c) Giấy chuyển hộ khẩu.

Ngoài ra, bạn còn phải cung cấp giấy tờ chứng mịnh thuộc một trong các trường hợp đăng kí thường trú tại Hà Nội đó là: giấy tờ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con: giấy khai sinh; quyết định công nhận việc nuôi con nuôi; quyết định việc nhận cha, mẹ, con; sổ hộ khẩu hoặc xác nhận xủa Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú.

Bạn cần phải nộp hồ sơ đăng kí thường trú tới đúng cơ quan nhà nước có thẩm quyền:
 
Điều 9. Thẩm quyền đăng ký thường trú

1.Công an quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương và thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
 
Nếu sau khi nộp đầy đủ hồ sơ đăng kí thường trú tới đúng cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà vẫn không được chấp nhận thì bạn có quyền làm đơn khiếu nại hành vi này của cơ quan đó. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu thuộc về người có hành vi hành chính; khiếu nại lần hai do Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết lần đầu giải quyết.
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Đăng kí hộ khẩu cho con vào hộ khẩu của bố tại Hà Nội có được không. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng


Luật gia Nguyễn Thương – Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo