LS Hồng Nhung

Công chức, viên chức vay vốn Ngân hàng chính sách cho người thân

Trường hợp công chức, viên chức vay vốn tại ngân hàng chính sách cho người thân mà không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ thì công chức, viên chức có phải trả khoản nợ đó hay không? Việc không thực hiện nghĩa vụ trả nợ có ảnh hưởng đến sự đánh giá hoàn thành công việc và có thể bị xử ký kỷ luật Đảng hay không? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

 

Nội dung tư vấn: Xin chào luật sư! Tôi là công chức nhà nước bên ngành giáo dục. Năm 2012 chú của tôi có mượn tên của tôi để vay ngân hàng chính sách với số tiền là 30 triệu đồng tôi vì tình cảm chú cháu nên đã chấp nhận cho chú tôi mượn tên để vay vốn, tôi có làm thủ tục vay vốn và nhận tiền với ngân hàng trong năm 2012. Từ năm 2012 đến nay thì việc đóng lãi là chú tôi đóng cho tổ trưởng tổ vay vốn của ấp, đến năm 2017 thì ngân hàng chính sách có điện thoại cho tôi và kêu tôi phải đóng lãi cho ngân hàng vì chú của tôi không còn khả năng đóng lãi nữa, tiếp đó ngân hàng chính sách, ủy ban xã, tổ trưởng tổ vay vốn có làm việc với tôi và ép tôi phải trả số tiền là 34 triệu đồng họ nói là tôi đứng tên thì tôi phải trả, họ còn báo qua nơi tôi làm việc.

Nhưng từ năm 2012 đến nay thì ngân hàng, chú tôi, tổ trưởng tổ vay vôn và ủy ban xã đã làm hồ sơ đáo hạn 3 lần mà không thông báo với tôi họ tự làm hồ sơ đáo hạn và mạo chữ ký của tôi vậy thì tôi có phải trả số tiền này không? Và có ảnh hưởng gì đến công việc cũng như bên Đảng của tôi không?

Rất mong luật tư vấn sớm giúp tôi giải quyết vấn đề khó khăn này. Xin chân thành cảm ơn luật sư.

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Về mặt nguyên tắc, ai là người đứng tên trên giấy tờ vay vốn ngân hàng thì phải có trách nhiệm với khoản vay theo Khoản 1 Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015:

 

“Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

 

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

 

Do vậy, nếu bạn đứng tên là người vay tài sản trong hợp đồng vay với ngân hàng thì bạn có nghĩa vụ phải thanh toán lãi theo thỏa thuận và trả toàn bộ khoản vay khi đến hạn. Sau khi hoàn tất các thủ tục trả nợ và lãi cho ngân hàng, bạn có thể yêu cầu chú của bạn hoàn lại khoản nợ theo như thỏa thuận giữa hai bên.

 

Mặt khác, đây chỉ là giao dịch dân sự bình thường, được xác lập và thực hiện theo thỏa thuận của các bên. Do đó, việc vi phạm nghĩa vụ trong giao dịch dân sự sẽ không ảnh hưởng đến các công việc chuyên môn và mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với công việc bạn đang đảm nhiệm. Còn đối với vấn đề kỷ luật Đảng thì phải căn cứ dựa trên quy chế, điều lệ của Đảng để xác định. 

 

Đối với hành vi ký giả chữ ký của bạn trong số những lần đáo hạn của những đối tượng trên thì bạn có thể xem xét gửi đơn tới cơ quan có thẩm quyền để xử lý và yêu cầu chịu trách nhiệm thiệt hại đối với hành vi của mình gây ra.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: H.Nhung - Luật Minh Gia

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo