LS Hồng Nhung

Con sinh ra trước thời kỳ hôn nhân có được khai sinh tại nơi cư trú của cha không?

Thủ tục đăng ký khai sinh con con trước thời kỳ hôn nhân được thực hiện ở đâu? Trường hợp người mẹ không có hộ khẩu thường trú thì có được đăng ký tại nơi cư trú của người cha hay không? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

Nội dung tư vấn: Kính gửi luật sư! Em có 1 số khó khăn mong luật sư tư vấn giúp em ạ! Vợ chồng em sinh em bé trước khi cưới và chưa đăng kí kết hôn, bé sinh ngày (29/11/2016) sinh ở bệnh viện A. Nhà em và chồng khác tỉnh. Vì lúc sinh em bé chưa đăng kí giấy kết hôn nên lúc làm giấy chứng sinh để xuất viện thì bác sĩ có hỏi là làm giấy khai sinh theo quê bố hay quê mẹ, em có nói là quê mẹ. Nên bác sỹ có viết nơi sẽ khai sinh cho bé là theo hộ khẩu của mẹ. Sau đó em về quê đăng kí kết hôn nhưng em đang sinh sống theo nhà chồng và cắt hộ khẩu chuyển vào nhà chồng để làm giấy khai sinh cho con ở nhà chồng luôn. Do hoàn cảnh xa với con còn nhỏ nên việc làm giấy tờ mất nhiều thời gian, sau khi cắt khẩu ở nhà ngoại và hiện giờ em chưa nhập hộ khẩu về nhà chồng, vì chồng em đi hỏi các cán bộ là trên giấy chứng sinh của con em có viết là nơi làm giấy khai sinh ở nhà ngoại, vậy có được làm giấy khai sinh ở nhà chồng không? Thì các cán bộ bảo không. Em hoang mang quá vì con em hiện nay hơn 1 tuổi rưỡi mà vẫn chưa có giấy khai sinh.

Em muốn hỏi luật sư là em phải nhập lại hộ khẩu ở nhà ngoại để làm giấy khai sinh cho con, hay em nhập khẩu vào nhà chồng có được làm giấy khai sinh không? Và mức phạt là bao nhiêu?

Em cảm ơn nhiều và mong luật sư tư vấn giúp em ạ.

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ thông tin bạn đã cung cấp, có thể thấy, con bạn sinh ra không trong thời kỳ hôn nhân (tức là sinh ra trước thời điểm cha mẹ đăng ký kết hôn); do đó bé không được xác định là con chung của bạn và chồng bạn trừ trường hợp bạn và chồng bạn thừa nhận đây là con chung theo Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

 

“1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

 

Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.;

 

Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

 

2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.”

 

Vậy, để có thể đăng ký khai sinh cho con tại cơ quan hộ tịch nơi chồng bạn cư trú và bảo đảm trên giấy khai sinh của bé có tên cha thì bạn có thể tiến hành đồng thời thủ tục đăng ký khai sinh và đăng ký nhận cha con theo quy định tại Điều 12 Thông tư 15/2015/TT-BTP quy định chi tiết một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định 123/NĐ-CP:

 

“Khi đăng ký khai sinh cho trẻ em mà có người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con thì cơ quan đăng ký hộ tịch kết hợp giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh và thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con như sau:

 

1. Hồ sơ gồm:

 

a) Tờ khai đăng ký khai sinh và Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định;

 

b) Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật hộ tịch;

 

c) Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 11 của Thông tư này.

 

2. Các giấy tờ khác, trình tự giải quyết được thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 16 và Điều 25 của Luật hộ tịch trong trường hợp thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã; theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 36 và Điều 44 của Luật hộ tịchtrong trường hợp thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

 

Nội dung đăng ký khai sinh xác định theo quy định tại Điều 4 của Nghị định số 123/2015/NĐ-CP. Giấy khai sinh và Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con được cấp đồng thời cho người yêu cầu.”

 

Và theo Điều 11 Thông tư 15/2015/TT-BTP bạn cần phải chuẩn bị các chứng cứ chứng minh quan hệ cha con như sau:

 

“Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

 

1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

 

2. Trường hợp không có văn bản quy định tại khoản 1 Điều này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.

 

Cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm giải thích rõ trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan, làm chứng không đúng sự thật.

 

Cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết theo quy định tại Điều 5 của Thông tư này hoặc hủy bỏ kết quả đăng ký hộ tịch, nếu có cơ sở xác định nội dung cam đoan, làm chứng không đúng sự thật.”

 

Hồ sơ, giấy tờ được nộp tại UBND cấp xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ theo quy định tại Điều 13 Luật Hộ tịch 2014:

 

“Điều 13. Thẩm quyền đăng ký khai sinh

 

Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh.”

 

Còn đối với vấn đề đăng ký khai sinh cho con muộn thì căn cứ Điều 15 Luật Hộ tịch quy định về Trách nhiệm đăng ký khai sinh như sau:

 

“1. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.

 

2. Công chức tư pháp - hộ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bàn trong thời hạn quy định; trường hợp cần thiết thì thực hiện đăng ký khai sinh lưu động.”

 

Theo quy định nêu trên, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, bạn có trách nhiệm khai sinh cho con. Tuy nhiên trong trường hợp này của bạn, bạn đã không thực hiện đúng trách nhiệm của mình. Do đó, hành vi vi phạm của bạn có thể bị xử phạt với hình thức cảnh cáo theo Khoản 1 Điều 27 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP như sau:

 

“Điều 27. Hành vi vi phạm quy định về đăng ký khai sinh

 

1. Cảnh cáo đối với người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em mà không thực hiện việc đăng ký đúng thời hạn quy định.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo