Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Con ở nước ngoài, có được đứng tên sở hữu nhà ở do thừa kế của bố mẹ ở Việt Nam

Kính chào luật sư. Tôi có câu hỏi, về căn hộ của Ba-Mẹ để lại cho năm người con cùng giấy di chúc trước khi Ba-Mẹ tôi qua đời.

Tờ di chúc có đầy đủ chữ ký của năm người con và công an phường chứng nhận.

Trong lời di chúc của Ba-Má tôi viết rất đầy đủ chi tiết, căn hộ không được bán,
chỉ để làm thờ cúng ông bà. Nếu như có bán thì phải có sự đồng ý của năm người con,
nếu trong năm người không đồng ý thì cũng không được bán.

Trong thời gian gần đây chính quyền có yêu cầu chị tôi làm lại giấy tờ cho căn hộ đó, thì chị tôi có điện thoại cho tôi và kêu tôi phải làm tờ dưới đây, gởi gấp về VN

Giấy khước từ tài sản do di chúc cha mẹ để lại)

Nhưng tôi không hiểu thủ tục hành chính như thế nào? mà bắt tôi phải làm giấy khước từ tài sản do cha-mẹ để lại, hay hoặc có ý đồ gì của chị tôi. Xin luật sư cho một lời giải thích với câu hỏi của tôi.  Rất chân thành cám ơn luật sư.

Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của gia đình, chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về thủ tục thừa kế: Theo Bộ Luật Dân sự 2005

Kể từ thời điểm mở thừa kế, tức thời điểm ba mẹ chị mất, thì những người thừa kế có quyền thực hiện phân chia di sản thừa kế theo di chúc. Bởi đây là di chúc hợp pháp, có xác nhận của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trong di chúc đã ghi rõ phần di sản không được bán,và cần có sự đồng ý của tất cả những người thừa kế theo di chúc khi thực hiện các giao dịch liên quan đến di sản. Do đó, phần di sản này thuộc quyền sở hữu của 5 người con.

Trước hết, liên quan đến phần di sản này, trong thời hạn 10 năm, những người thừa kế cần thực hiện thủ tục khai nhận di sản tại UBND xã.

Vì theo ý chí của ba mẹ trong di húc, di sản để làm nơi thờ cúng, nên sẽ không thực hiện việc phân chia di sản.

Thứ hai, đăng ký quyền sở hữu nhà ở đối với di sản:

Hiện tại, một người chị của chị muốn làm giấy tờ về ngôi nhà, đăng ký quyền sở hữu nhà, thì có thể thực hiện đăng ký với tư cách tài sản thuộc sở hữu chung của 5 người thừa kế, hoặc nếu để một trong 5 người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu Nhà nước thì phải có sự thỏa thuận, ủy quyền của những người thừa kế khác.

Do đó, chị không cần phải làm giấy từ chối nhận di sản, do hiện tại chị đang cư trú tại nước ngoài, thì căn cứ theo Luật Nhà ở 2014:

Điều 7. Đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam

1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước.

2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 159 của Luật này.


Điều 8. Điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở

1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoàia thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam; đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì phải có đủ điều kiện quy định tại Điều 160 của Luật này.

2. Có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức sau đây:

a)  Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước thì thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;

b) Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản); mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật;

c) Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì thông qua các hình thức quy định tại khoản 2 Điều 159 của Luật này
.

Theo đó, chị định cư tại nước ngoài, nhưng có quyền sở hữu Nhà tại Việt Nam, do đó, có thể làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở với tư cách sở hữu chung của 5 người: giữa 5 người có thể làm giấy thỏa thuận về đại diện đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất đó hoặc cả 5 người cùng đứng tên, mà không cần phải từ chối nhận di sản mới có thể đăng ký quyên sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất đối với nhà ở là di sản thừa kế đó.

Trường hợp của chị đang định cư tại nước ngoài, chị có thể làm giấy ủy quyền cho những người thừa kế khác tại Việt Nam đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở nhưng không từ chối quyền hưởng di sản, thì phần quyền hưởng di sản đó của chị vẫn hợp pháp, dù không trực tiếp đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Con ở nước ngoài, có được đứng tên sở hữu nhà ở do thừa kế của bố mẹ ở Việt Nam. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng


C.V Hoàng Ngàn. Công ty Luật Minh Gia. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo