Đinh Thị Minh Nguyệt

Con nuôi có được hưởng thừa kế không?

Kính gửi: Công Ty Luật Minh Gia.Tôi tên: Trương T Sinh năm: 1977 Tôi có câu hỏi về việc Con nuôi có được hưởng thừa kế hay không muốn được Công Ty Luật Minh Gia tư vấn miễn phí cho tôi qua mail như sau: Mẹ nuôi tôi có 2 anh em,tôi và một người em gái nữa.

Mẹ nuôi tôi mất năm 2011, tôi được biết là trước lúc mẹ tôi mất mẹ tôi có xây dựng một căn biệt thự và 1 quán bán cơm chay cùng trên một mảnh đất rộng hơn 600 mét vuông thuộc ở TP.HCM nhưng mảnh đất đó có 2 sổ đỏ,1 sổ diện tích là 311 mét vuông,1 sổ là 294 mét vuông.Khi xây xong hoàn chỉnh,mẹ tôi phát bệnh ung thư và mất,nhưng nhà thì chưa có làm thủ tục hoàn công để được cấp sổ hồng nhà ở.Trước lúc xây dựng căn biệt thự và quán cơm chay,mẹ tôi có bàn với ông bà ngoại tôi về việc xây dựng như vậy tôi có được biết,mẹ tôi nói xây dựng xong sẽ duy chuyển ông bà ngoại tôi xuống nhà mới ở,và 2 vợ chồng và con tôi cùng em gái tôi cùng về đó ở để phụ lo cho ông bà ngoại vì tuổi già sức khỏe yếu,đồng thời mẹ tôi cũng mở tiệm cơm chay để em gái tôi đứng ra buôn bán.Từ lúc khởi công xây dựng mẹ tôi có nhờ Cậu 4 là em trai của mẹ lo giúp đứng ra xây dựng toàn bộ kể cả về mặt giấy tờ,mẹ tôi chỉ ký tên trên giấy tờ pháp lý thôi,mẹ tôi đã xuất gia ở hẳn trong chùa.Nhà quán xây dựng xong mẹ tôi mất,ông bà ngoại có về ở đó cùng cậu 4 của tôi,còn vợ chồng con và em gái tôi thì vẫn ở nhà tập thể do Công An huyện cấp từ năm 1989 khi mẹ tôi được điều động chuyển công tác.Từ khi mẹ tôi mất thì Cậu 4 tôi có đưa vợ nhỏ về ở trong căn biệt thự và mở quán cơm chay cho vợ nhỏ buôn bán và ở cùng ông bà ngoại tôi.Từ lúc mẹ tôi mất 2 anh em tôi qua thăm ông bà ngoại rất khó khăn và còn bị cậu tôi la,gia đình rất là sáo trộn và tôi thấy ông bà ngoại tôi rất buồn nhưng chằng nói gì được cậu tôi cả.mẹ tôi mất đên nay đã được 4 năm,chỗ ở hiện giờ của 2 anh em tôi ở được mẹ để lại là nhà tập thể do Công An huyện cấp đã lâu nhưng chỉ có giấy tạm cấp chứ cho ở và cũng có trả tiền thuê nhà cho Công Ty Quản Lý Nhà. Nhưng Thời điểm hiện giờ đang chuẩn bị giải tỏa để nới rộng làm Hội Trường Công An Quận theo văn bản của UBND duyệt.Vợ chồng con và em tôi không có chỗ ở nên tôi có nói với cậu 4 tôi là muốn về nơi biệt thự ở nhưng cậu tôi không cho và nói là 2 anh em mày ra mướn nhà trọ mà ở và còn nói là 2 anh em mày có thưa kiện thì cũng chẳng làm được gì và chẳng đi tới đâu,tôi cũng xin nói thật lòng là 2 anh em tôi không có tiền và cũng nghĩ là mình không có tiền thì cũng chẳng lấy được gì cả. Hiện giờ anh em tôi chỉ có giấy khai sinh và giấy giao nhận con nuôi mà mẹ tôi đã để lại thôi,còn giấy tờ sổ đỏ thì 2 anh em tôi không có giữ,nhưng tôi được biết là hiện giờ ông ngoại tôi giữ vì cậu 4 tôi đã đưa cho ông ngoại tôi.Tôi chỉ có được giấy tờ đất photo trích lục ở UBND Quận do mẹ tôi đứng tên mà thôi. Tôi đã kể hết sự tình trên mail này để cho Quý Văn Phòng Luật Sư Minh Gia rõ và xin tư vấn cho tôi được biết và tôi có thể làm gì để được hưởng thừa kế do mẹ nuôi để lại,và lời nói của Cậu tôi nói là có đúng không,và tôi cũng sợ là cậu tôi sẽ chạy chọt để chuyển đổi tên trên sổ đỏ mà mẹ tôi đã đứng tên. Kính mong Quý Luật Sư Minh Gia tư vấn giúp tôi! Xin trân trọng cám ơn!

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Do mẹ nuôi bạn mất không để lại di chúc (thời điểm mất là năm 2011) nên theo điểm a, khoản 1 Điều 675 Bộ luật Dân sự 2005, trường hợp này là di sản thừa kế sẽ chia theo pháp luật.

>> Tư vấn quy định về quyền thừa kế của con nuôi, gọi: 1900.6169

Theo quy định tại Điều 676 Bộ luật dân sự 2005 thì những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự như sau:

“a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.

Như vậy mẹ nuôi bạn mất không để lại di chúc và việc bạn là con nuôi nhưng bạn vẫn có quyền hưởng phần di sản thừa kế của mẹ bạn để lại với tư cách là hàng thừa kế thứ nhất. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa bạn và mẹ nuôi phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận. Cụ thể, quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi chỉ được xác lập khi:

 - Tại thời điểm nhận nuôi con nuôi, việc nuôi con nuôi được đăng ký tại UBND xã, phường, thị trấn nơi thường trú của cha mẹ nuôi hoặc con nuôi;

- Trường hợp việc nuôi con nuôi đã phát sinh trên thực tế mà chưa đăng ký trước ngày 1/1/2011, nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật nuôi con nuôi 2010 thì được đăng ký kể từ ngày 1/1/2011 đến hết ngày 31/12/2015 tại UBND cấp xã nơi thường trú của cha mẹ nuôi và con nuôi (Căn cứ khoản 1 Điều 23 Nghị định số 19/2011/NĐ-CP  quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi).

Theo thông tin bạn cung cấp, mẹ nuôi bạn có để lại giấy giao nhận con nuôi nên bạn cần xem giấy giao nhận này đã được UBND xã của một trong hai bên xác nhận hay chưa. Khi đó, quan hệ giữa mẹ nuôi và bạn mới được pháp luật thừa nhận.

Trường hợp bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất, để hưởng di sản thừa kế, các đồng thừa kế sẽ tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Thủ tục chúng tôi đã trình bày cụ thể tại bài viết sau, bạn có thể tham khảo bài viết chúng tôi đã tư vấn tương tự:

>> Hướng dẫn thủ tục khai nhận di sản thừa kế

Sau đó, làm thủ tục đăng ký sang tên quyền sử dụng đất/ sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật. Khi có tranh chấp về việc chia di sản thừa kế, bạn có thể khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu phân chia di sản thừa kế.

Trên đây là nội dung tư vấn về vấn đề: Con nuôi có được hưởng thừa kế theo pháp luật không, nếu còn vướng mắc bạn vui lòng liên hệ: 1900.6169 để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo