Luật gia Nguyễn Nhung

Có thể khởi kiện về việc chậm nghĩa vụ thanh toán hay không?

Bên A chậm thanh toán 90 ngày so với hợp đồng, Bên B có gọi điện trao đổi thanh toán thì Bên A thách thức và nói sẽ không thanh toán nốt tiền hợp đồng. Bên B có khởi kiện Bên A ra tòa chưa? Cơ quan nào giải quyết vấn đề trên cho bên B? Nội dung tư vấn như sau:

 

Kính gửi Quý Công ty Luật Minh Gia. Cho tôi hỏi một việc như sau: Ngày 08/08/2017 Công ty tôi (Bên B) có ký hợp đồng kinh tế với Bên A về việc: "Bên A đồng ý giao cho bên B thực hiện Cung cấp vật tư và thi công sản phẩm sơn chống ăn mòn FRP cho nhà máy Rượu bia nước giải khát Aroma". Công trình đã hoàn thành nghiệm thu, hai bên đã đối chiếu xuất hóa đơn đầy đủ, có biên bản thanh lý hợp đồng quyết toán công trình, biên bản nghiệm thu. Theo hợp đồng chậm nhất 15 ngày kể từ khi bên A nhận được hồ sơ thì bên A phải thanh toán. Tính đến nay Bên A chậm thanh toán 90 ngày so với hợp đồng, Bên B có gọi điện trao đổi thanh toán thì Bên A thách thức và nói sẽ không thanh toán nốt tiền hợp đồng trên số tiền: 225.380.000 đồng. Luật sư cho tôi hỏi:

1.Toàn bộ bằng chứng trên bên B có khởi kiện Bên A ra tòa chưa?

2.Cơ quan nào giải quyết vấn đề trên cho bên B? kiện về tội gì?

3.Mức phạt của người thiếu nợ ra sao? Có bị giam giữ không?

4.Trong thời gian chờ giải quyết là bao lâu? Nếu họ cố tình không trả thì bên B làm như thế nào?

Rất mong nhận được phản hồi từ Quý Luật sư.Trân trọng cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, với vấn đề bên A chậm thanh toán, anh có thể tham khảo bài viết hướng dẫn cách giải quyết dưới đây :

 

Phải làm thế nào khi bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán

 

Trong trường hợp đã áp dụng các chế tài thương mại nhưng bên A vẫn không thực hiện nghĩa vụ thanh toán thì anh có quyền được kiện ra cơ quan giải quyết tranh chấp (Tòa án hoặc Trọng tài thương mại) để đòi số tiền trong hợp đồng, tiền lãi trên số tiền chậm trả, phạt hợp đồng và bồi thường thiệt hại (nếu có).

 

Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:

 

"1. Tranh chấp về quốc tịch Việt Nam giữa cá nhân với cá nhân.

 

2. Tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản.

 

3. Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự.”

 

Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết yêu cầu khởi kiện của anh được xác định theo Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như sau:

 

“Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện

 

1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:

 

a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;...”

 

“Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ

 

1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

 

a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;”

 

Như vậy, anh có thể nộp đơn khởi kiện A ra Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi công ty A đặt trụ sở về việc bên A chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán và đang có hành vi trốn tránh nghĩa vụ.

 

Thứ hai, về thời hạn giải quyết vụ án dân sự

 

Sau khi anh nộp tiền tạm ứng án phí Tòa án sẽ tiến hành thụ lý vụ án. Thời hạn chuẩn bị xét xử đối với vụ án dân sự là 4 tháng và đối với những vụ án có tính chất phức tạp thì có thể gia hạn nhưng không quá 2 tháng quy định tại Khoản 1 Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Tại phiên tòa sơ thẩm nếu có các căn cứ để hoãn phiên tòa, tạm ngừng phiên tòa thì thời hạn tạm ngừng phiên tòa, hoãn  phiên tòa không quá 01 tháng kể từ khi có quyết định hoãn phiên tòa, tạm ngừng phiên tòa thì Tòa án phải mở lại phiên tòa căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 233 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

 

Thứ ba, nếu bên A cố tình không thanh toán tiền như cam kết nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền này thì bên B còn có thể khởi kiện bên A về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015:

 

“Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

 

1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

 

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.”

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Hà Diệu Nhung - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo