LS Vũ Thảo

Có thể đòi lại tiền cọc trong hợp đồng gia công không?

Kính chào luật sư! Em có một viếc rất cần được tư vấn. Kính mong luật sư dành chút thời gian tư vấn cho em. Em xin chân thành cảm ơn rất nhiều! Em tham gia làm tranh đính đá. Lấy tranh của cô hiệu trưởng trường mầm non, mỗi bức tranh là cọc 4 triệu đồng, công là 5 triệu đồng.

Em đã làm tranh và trả tranh đúng thời hạn. Em lấy tranh nhiều lần, tổng cộng số tiền cọc tranh lên đến 56 triệu 700 nghìn đồng, em làm tranh và cũng trả một số tranh, còn một số tranh đang làm. Em chưa nhận một đồng tiền công nào thì cô hiệu trưởng mầm non bảo cô ấy bị lừa rồi. Chủ lừa đảo ở đây là một cô phó hiệu trưởng trường mầm non khác. Cô phó hiệu trưởng này bị công an tam giam điều tra. Bây giờ em là người bị lừa tiền đặt cọc tranh 56 triệu 700 nghìn đồng. Em nhận tranh giao tiền với cô hiệu trưởng mầm non, mà cô hiệu trưởng lại lấy tranh từ cô phó hiệu trưởng trường khác. Cô phó hiệu trưởng bị công an giam giữ và điều tra vì tội lừa đảo. Xin hỏi luật sư là em có thể đòi lại số tiền em đã đặt cọc không? Kính mong luật sư giải đáp nhanh giúp em. Em xin chân thành cảm ơn !

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

 

Điều 119 Bộ luật dân sự 2015 quy định Hình thức giao dịch dân sự như sau:

 

"1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể."

 

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn có thỏa thuận làm tranh đính đá theo yêu cầu của cô hiệu trưởng và bạn được trả tiền công 5 triệu đồng với mỗi bức tranh. Như vậy, giữa bạn và cô hiệu trưởng đã xác lập giao dịch dân sự, cụ thể là hợp đồng gia công được giao kết bằng lời nói và vẫn phát sinh quyền, nghĩa vụ các bên.

 

Điều 544 Bộ luật dân sự 2015 quy định Nghĩa vụ của bên đặt gia công:

 

"1. Cung cấp nguyên vật liệu theo đúng số lượng, chất lượng, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận cho bên nhận gia công; cung cấp giấy tờ cần thiết liên quan đến việc gia công.

 

2. Chỉ dẫn cho bên nhận gia công thực hiện hợp đồng.

 

3. Trả tiền công theo đúng thỏa thuận."

 

Và Điều 547 Bộ luật dân sự 2015 quy định Quyền của bên nhận gia công:

 

"1. Yêu cầu bên đặt gia công giao nguyên vật liệu đúng chất lượng, số lượng, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận.

 

2. Từ chối sự chỉ dẫn không hợp lý của bên đặt gia công trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu thấy chỉ dẫn đó có thể làm giảm chất lượng sản phẩm, nhưng phải báo ngay cho bên đặt gia công.

 

3. Yêu cầu bên đặt gia công trả đủ tiền công theo đúng thời hạn và phương thức đã thỏa thuận."

 

Như vậy, khi hợp đồng gia công được xác lập thì bên đặt gia công có nghĩa vụ trả tiền công theo đúng thỏa thuận và bên nhận gia công có quyền yêu cầu bên đặt gia công trả đủ tiền công theo đúng thời hạn và phương thức đã thỏa thuận. Đối chiếu với trường hợp của bạn, bạn nhận làm tranh theo yêu cầu cô hiệu trưởng nên bạn có quyền yêu cầu cô hiệu trưởng trả đủ tiền công theo đúng thời hạn mà các bên đã thỏa thuận trước đó. Hơn nữa, hợp đồng gia công được xác lập giữa bạn và cô hiệu trưởng nên việc cô phó hiệu trưởng bị công an bắt giữ về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng sẽ không ảnh hưởng đến quyền của bạn, vì bản chất người thực hiện giao dịch với bạn là cô hiệu trưởng nên cô hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm với hợp đồng gia công đã giao kết với bạn. Liên quan đến việc cô hiệu trưởng lấy tranh từ cô phó hiệu trưởng thì đây là giao dịch dân sự giữa cô hiệu trưởng và cô phó hiệu trưởng và không liên quan đến bạn (trừ trường hợp bạn giao kết hợp đồng với cô hiệu trưởng và cô phó hiệu trưởng). 

 

- Đối với số tiền đặt cọc, Điều 328 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

 

"1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

 

2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác."

 

Theo đó, bản chất của việc đặt cọc là nhằm bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. Trường hợp hợp đồng đã được thực hiện thì số tiền đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền. Đối chiếu với trường hợp của bạn, hợp đồng gia công đã được thực hiện nên số tiền bạn đặt cọc cho cô hiệu trưởng sẽ được trả lại. Trường hợp bạn chỉ giao kết hợp đồng với cô hiệu trưởng thì cô hiệu trưởng có nghĩa vụ phải thanh toán cho bạn số tiền cọc và số tiền công tương ứng với số tranh bạn đã tạo ra. Còn việc cô phó hiệu trưởng bị công an bắt giữ thì cũng không ảnh hưởng đến quyền của bạn và nghĩa vụ thanh toán tiền của cô hiệu trưởng như đã phân tích ở trên. Như vậy, cô hiệu trưởng phải có trách nhiệm trả số tiền cọc 56 triệu 700 nghìn đồng cho bạn và số tiền công theo số tranh bạn đã tạo ra như hai bên đã thỏa thuận. Trường hợp cô hiệu trưởng không chi trả thì bạn có thể làm đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cô hiệu trưởng cư trú yêu cầu cô hiệu trưởng thanh toán khoản tiền này cho bạn. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng 

Phòng Luật sư tư vấn Luật Dân sự - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo