LS Ngọc Anh

Có được thay đổi tên trong giấy khai sinh vì không thích không?

Trường hợp cá nhân không thích tên gọi của mình thì có thể thực hiện thủ tục thay đổi tên trên giấy khai sinh hay không? Tên gọi của cá nhân người Việt Nam có thể đặt bằng tiếng nước ngoài được không? Luật Minh Gia giải đáp thắc mắc liên quan đến vấn đề này như sau:

1. Luật sư tư vấn luật hộ tịch, thay đổi họ tên

Thay đổi hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thay đổi những thông tin hộ tịch của cá nhân khi có lý do chính đáng theo quy định của pháp luật dân sự hoặc thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, không phải trong trường hợp nào, cá nhân cũng có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi hộ tịch; mà việc thay đổi hộ tịch đó cần phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Do đó, nếu bạn gặp phải những vướng mắc liên quan đến vấn đề này, bạn cần tham khảo kỹ các quy định của pháp luật hoặc hỏi ý kiến luật sư chuyên môn. Trong trường hợp bạn không có thời gian tìm hiểu hoặc không có luật sư riêng, bạn hãy liên hệ Luật Minh Gia để luật sư của chúng tôi đưa ra giải đáp, hướng dẫn cho bạn phương án cụ thể.

Để được hỗ trợ, tư vấn pháp lý về các vấn đề liên quan đến việc thay đổi hộ tịch bạn hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi để được tư vấn.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Thay đổi tên trong giấy khai sinh vì không thích có được không?

Câu hỏi:

Thưa công ty Luật Minh Gia! Tôi có một câu hỏi xin được Luật Minh Gia tư vấn giúp tôi. Tôi muốn đổi tên trong khai sinh, hộ khẩu, chứng minh nhân dân của tôi, có được phép không ạ? Giữ lại họ, chỉ đổi tên lót và tên cuối. Vì lý do tôi không thích tên trong giấy tờ của tôi, tôi có được phép đổi không? 

Nếu được thì tôi phải làm những thủ tục gì? Nộp đơn ở đâu? Và cho tôi hỏi có được để tên lót là tên giống tên tiếng Anh (tiếng Tây) chẳng hạn, không ạ? Hay chỉ được dùng tên Việt? Xin chân thành cảm ơn công ty Luật Minh Gia!

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia chúng tôi, chúng tôi xin tư vấn trường hợp của bạn như sau:

- Quy định về quyền thay đổi họ tên

Điều 28 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền đổi tên như sau:

“1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây:

a) Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;

b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;

c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;

d) Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

đ) Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;

e) Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;

g) Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

2. Việc thay đổi tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.

3. Việc thay đổi tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ.”

Như vậy thì với lí do không thích tên trong giấy tờ của bạn thì bạn không được phép thay đổi họ tên. Bạn cần phải đảm bảo về nội dung lý do thay đổi cho phù hợp với quy định của pháp luật (ví dụ như thay đổi vì việc sử dụng tên, họ đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền lợi ích hợp pháp của người có họ tên muốn thay đổi).

- Thủ tục thay đổi họ tên

Trong trường hợp bạn muốn thay đổi thì bạn có thể đến Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh trước đây để giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người dưới 14 tuổi và bổ sung hộ tịch cho mọi trường hợp, không phân biệt độ tuổi; hoặc đến Ủy ban nhân dân cấp huyện, mà trong địa hạt của huyện đó đương sự đã đăng ký khai sinh trước đây, để giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên và xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch cho mọi trường hợp, không phân biệt độ tuổi.

Hồ sơ bao gồm:

- Tờ khai (theo mẫu quy định),

- Bản chính Giấy khai sinh của người cần thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch;

- Các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch.

Khoản 3 Điều 26 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền có họ, tên như sau:

“Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.”

Như vậy, bạn là công dân Việt Nam nên tên của bạn phải bằng tiếng việt.

---

3. Thủ tục thay đổi tên trong giấy khai sinh quy định thế nào?

Câu hỏi:

Tôi có câu hỏi này, Luật Minh Gia trả lời giúp. Xin trân trọng cảm ơn! Câu hỏi: Tôi năm nay 43 tuổi, công tác tại một cơ quan nhà nước được 18 năm và có một con đang học đại học, một con học lớp 8. Tôi muốn đổi tên (vì tên hiện tại đang dùng rất xấu) của tôi thì cần những thủ tục gì?

Sau khi đổi được tên rồi, những văn bằng, chứng chỉ, quyết định nâng lương và những giấy tờ tùy thân khác có phải làm lại không. Nếu có làm lại thì những người thủ trưởng trước ký giấy tờ đó cho tôi giờ họ đã mất thì phải làm gì? Và có cần đổi tên cha mẹ trong khai sinh, lý lịch cho các con tôi không? 

Tư vấn:

Chào bạn! Đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn chúng tôi đã tư vấn trường hợp tương tự sau đây:

>> Tư vấn thủ tục thay đổi tên trong giấy khai sinh?

Khi có căn cứ tên xấu gây ảnh hưởng tới quá trình giao tiếp thì bạn có thể yêu cầu đổi tên, bạn chị nộp hồ sơ yêu cầu thay đổi họ tên tại UBND quận/ huyện (cấp trên trực tiếp của UBND xã, phường nơi đăng kí khai sinh).

Việc thay đổi tên không làm chấm dứt hay thay đổi các quyền, nghĩa vụ khi đã xác lập bằng tên cũ. Do đó, để tiện cho quá trình giao dịch sau khi đổi tên anh/chị nên đính chính sổ hộ khẩu và làm lại chứng minh nhân dân. Còn một số loại bằng cấp, giấy tờ khác ít sử dụng tới thì không cần thiết phải đính chính lại. Khi sử dụng những bằng cấp với tên cũ anh/chị cần xuất trình giấy tờ chứng minh việc thay đổi từ tên cũ sang tên mới( quyết định đổi tên của UBND).

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Có được thay đổi tên trong giấy khai sinh vì không thích không? Nếu còn vướng mắc, chưa rõ bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn luật trực tuyến để được tư vấn.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo