Triệu Lan Thảo

Có được bảo lưu phụ cấp chức vụ không?

Xin cho hỏi: Cơ quan tôi là đơn vị hành chính nhà nước (cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh), khi thành lập phòng Pháp chế (ngày 15/4/2014) theo NĐ 55/2011/NĐ-CP cũng đã bổ nhiệm công chức lãnh đạo (phó trưởng phòng tại quyết định số 84/QĐ-..., ngày 19/8/2014) theo quy định.

 

Đến tháng 12/2016, thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo Thông tư Liên tịch số 07/2015/TTLT-BXD-BNV, ngày 16/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh ... về các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc ngành Xây dựng nên không còn phòng Pháp chế, Văn phòng Sở bao gồm luôn cả công tác pháp chế. Do đó Giám đốc sở đã có quyết định giải thể Phòng pháp chế và quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó trưởng phòng pháp chế; điều động công chức phòng Pháp chế về Văn phòng Sở công tác (QĐ ngày 29/12/2016). Cho tôi hỏi, trường hợp này (Phó phòng Pháp chế đã có quyết định miễn nhiệm chức vụ và điều động về văn phòng sở nhận nhiệm vụ mới) có được bảo lưu phụ cấp chức vụ không? nếu được bảo lưu thì bảo lưu trong thời gian bao lâu?

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo như bạn đã trình bày ở trên, Giám đốc sở đã có quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó trưởng phòng pháp chế và điều động công chức phòng Pháp chế về Văn phòng Sở công tác.

 

Theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 1 Quyết định số 140/2009/QĐ-TTg Về bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với các chức danh lãnh đạo trong quá trình sắp xếp,  kiện toàn tổ chức bộ máy thì đối tượng được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy đối với các chức danh lãnh đạo bao gồm:

 

“d) Trưởng phòng, Phó trưởng phòng và các chức danh tương đương thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh do sắp xếp tổ chức thôi giữ chức vụ lãnh đạo hoặc được bổ nhiệm vào chức vụ mới có phụ cấp chức vụ lãnh đạo thấp hơn so với phụ cấp chức vụ lãnh đạo cũ”

 

Cho nên, bạn vẫn được bảo lưu phụ cấp chức vụ theo quy định trên.

 

Theo quy định tại Thông tư 02/2005/TT-BNV thì:

 

“c) Các trường hợp thôi giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm):

 

c1) Nếu thôi giữ chức danh lãnh đạo do bị kỷ luật miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức hoặc không được bổ nhiệm lại, thì thôi hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo kể từ ngày quyết định thôi giữ chức danh lãnh đạo có hiệu lực thi hành,

 

c2) Nếu thôi giữ chức danh lãnh đạo do được kéo dài thêm thời gian công tác khi đến độ tuổi nghỉ hưu hoặc thôi giữ chức danh lãnh đạo để nghỉ hưu theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền, thì được bảo lưu mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo hiện hưởng.

 

c3) Nếu thôi giữ chức danh lãnh đạo do sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ, thì thực hiện theo hướng dẫn riêng trong lần sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế đó.

 

c4) Các trường hợp thôi giữ chức danh lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) còn lại ngoài các trường hợp tại các tiết c1, c2 và c3 nêu trên, được bảo lưu mức phụ cấp chức vụ của chức danh lãnh đạo cũ trong 6 tháng kể từ ngày có quyết định thôi giữ chức danh lãnh đạo; từ tháng thứ 7 trở đi thôi hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo.”

 

Như vậy, trường hợp của bạn thuộc vào trường hợp tại điểm c4 ở trên. Do đó, bạn được bảo lưu mức phụ cấp chức vụ của chức danh lãnh đạo cũ trong 6 tháng kể từ ngày có quyết định thôi giữ chức danh lãnh đạo; từ tháng thứ 7 trở đi thôi hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !

CV tư vấn: Thùy Lan - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo