Nông Bá Khu

Có đòi lại được tài sản cho vay khi đã hết thời hiệu khởi kiện không?

Chào luật sư, cho tôi hỏi về việc đòi lại tài sản cho vay khi hết thời hiệu như sau: Năm 1999 gia đình tôi có cho vợ chồng ông T vay 60 chỉ vàng (có giấy viết tay và sổ đỏ thế chấp), ông T hẹn 3 năm sau sẽ trả. Nhưng đến năm 2002 thì ông T chưa trả và hẹn 1 năm sau sẽ trả (vì chỗ thân tình trong dòng họ nên gia đình tôi không làm khó và cũng không làm giấy vay lại).

 

Mãi đến năm 2008 gia đình tôi đòi không được nữa nên mới viết đơn khởi kiện lên tòa án huyện thì tòa án tuyên ông T phải trả lại số vàng đó cho gia đình tôi, Nhưng ông T kháng cáo vào tòa án nhân dân Tỉnh thì tòa án bác toàn bộ bản án sơ thẩm ở tòa án huyện đến nay gia đình tôi vẫn không lấy lại được số nợ trên. Gia đình tôi vẫn còn giữ sổ đỏ thế chấp của gia đình ông T, đầu năm nay gia đình ông T đòi lại sổ đỏ đó. Vậy xin cho hỏi gia đình tôi giữ sổ đỏ của ông T có hợp pháp không? và bây giờ có thể đòi lại số vàng đấy không? Chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia chúng tôi,về vấn đề của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, việc gia đình bạn giữ sổ đỏ có hợp pháp không?

 

Gia đình bạn đã cho gia đình ông T vay 60 chỉ vàng thì ở đây xác định là đã có hợp đồng vay tài sản

 

Theo quy định tại Điều 467 Bộ luật dân sự năm 1995 quy định về hợp đồng vay tài sản:

 

“Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao cho bên vay một khoản tiền hoặc vật; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả tiền hoặc vật cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.”

 

 Điều 731 Bộ luật hình sự năm 1995 quy định về hình thức hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất:

 

“Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất được lập thành văn bản.

Việc thế chấp quyền sử dụng đất phải được làm thủ tục và đăng ký tại Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai.”

 

Và Điều 26 Nghị định 17/1999/NĐ-CP quy định về trình tự thực hiện việc thế chấp giá trị quyền sử dụng đất:

 

“Bên thế chấp và bên nhận thế chấp ký kết hợp đồng thế chấp theo Mẫu số 4 ban hành kèm theo Nghị định này. Sau khi các bên ký kết hợp đồng, bên thế chấp phải đăng ký tại Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất đó. Khi hoàn thành đăng ký, bên nhận thế chấp cho vay tiền theo thoả thuận trong hợp đồng.”

 

Bộ luật dân sự quy định hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên và không quy định hình thức cụ thể. Vì vậy hợp đồng vay tài sản có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Tuy nhiên hợp đồng thế chấp tài sản phải tuân thủ theo hình thức là lập thành văn bản và làm thủ tục đăng ký tại Ủy ban nhân dân xã/phường nơi có đất. Bạn cần xem xét lại việc giao kết hợp đồng thế chấp, nếu không đáp ứng về mặt hình thức thì theo khi có quyết định của Tòa án tuyên giao dịch thế chấp giữa gia đình bạn và ông T là vô hiệu thì bạn phải trả lại sổ đỏ cho ông T.

  

Thứ hai, làm thế nào để đòi lại được vàng?

 

Điều 327 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về phát hiện bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật cần xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm:

 

“1. Trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đó thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 331 của Bộ luật này để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

2. Trường hợp Tòa án, Viện kiểm sát hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì phải thông báo bằng văn bản cho người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 331 của Bộ luật này.

3. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao hoặc Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 326 của Bộ luật này.”

 

Việc cho vay nếu ông T đã vay mà hiện nay vẫn chưa trả thì để bảo vệ quyền lợi của mình có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết. Theo thông tin bạn cung cấp thì gia đình bạn đã khởi kiện để đòi lại tiền nhưng bản án sơ thẩm tuyên ông T phải trả lại vàng cho gia đình bạn bị Tòa án Tỉnh bác bỏ. Bạn không nói rõ tại sao Tòa án nhân dân cấp tỉnh lại bác bỏ bản án sơ thẩm nên chúng tôi không thể tư vấn chính xác cho được việc bác bỏ có đúng hay không. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn không đồng ý với bản án của Tòa án nhân dân cấp tỉnh thì có quyền phát hiện các tình tiết là căn cứ kháng nghị hoặc những sai lầm, vi phạm pháp luật của tòa án đã giải quyết vụ án sau đó khiếu nại, tố cáo hoặc thông báo cho những người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm để họ xem xét và quyết định kháng nghị

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Có đòi lại được tài sản cho vay khi đã hết thời hiệu khởi kiện không? Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

Cv. Vũ Hà - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo