Hoài Nam

Chuyển quyền sử dụng đất theo nội dung di chúc

Xin kính chào văn phòng luật Minh Gia. Tôi xin trình bày sự việc như sau:

 

Gia đình tôi có 3 anh em. Tôi là trưởng, còn 1 em trai và 1 em gái. Năm 2006, bố mẹ tôi bị ốm và đã già yếu thi đã họp gia đình phân chia tài sản và quyền sử dụng đất. Chúng tôi đã lập biên bản họp gia đình, nội dung cuộc họp như sau: em gái tôi được chia: 100m2 đất; em trai tôi được chia: 370m2 đất; tôi được chia: 240m2. Nhưng khi nào bố mẹ chúng tôi mất thì tôi mới được quyền sử dụng. Văn bản này được tổ trưởng tổ dân phố, và chủ tịch xã xác nhận có dấu đỏ. Em gái tôi đã làm sổ đỏ ngay trong thời gian đó. Như vậy đất của bố mẹ tôi và tôi và em trai tôi chưa tách thì còn 610m2. Bây giờ bố tôi đã mất, tôi với em trai tôi muốn làm sổ đỏ thì cần phải làm gì? Em gái tôi còn có quyền thừa hưởng gia sản nữa không? Mong văn phòng luật sư tư vấn giúp đỡ gia đình tôi! Xin chân thành cám ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn anh đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty luật Minh Gia. Với trường hợp của anh chúng tôi xin được giải đáp như sau:

 

Điều 630 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về di chúc hợp pháp:

 

“1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

 

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

 

2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

 

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

 

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này…”

 

Anh cần xem xét biên bản họp của gia đình anh (đã được tổ trưởng tổ dân phố, và chủ tịch xã xác nhận) có đáp ứng được các điều kiện về mặt chủ thể, nội dung và hình thức theo quy định tại Điều 630 nêu trên để được xem là di chúc hợp pháp hay không, từ đó mới có thể xác định được biên bản họp gia đình đó là căn cứ để phân chia di sản thừa kế hay không.

 

Trong trường hợp văn bản đó đủ điều kiện để trở thành di chúc thì di sản sẽ được phân chia theo nội dung văn bản đó. Anh cần xem xét việc em gái được sang tên mảnh đất 100 m2 là đúng hay sai. Nếu em gái của anh đã được nhận tặng cho hợp pháp của bố mẹ với quyền sử dụng 100m2 trước đó thì phần di sản còn lại mà bố mẹ còn sau khi mấtvẫn được chia theo di chúc trừ trường hợp những người được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo quy định tại Điều 644 Bộ luật dân sự năm 2015.

 

Trong trường hợp văn bản đó không đủ điều kiện để trở thành di chúc thì trường hợp của gia đình anh sẽ được xem như bố mẹ anh mất đi mà không để lại di chúc. Lúc này, di sản của bố mẹ anh để lại (chỉ còn là 610m2 đất) sẽ được chia theo pháp luật những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố mẹ (Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015).

 

Hai anh em anh nếu muốn làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Chuyển quyền sử dụng đất theo nội dung di chúc. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV Sơn Tùng - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo