LS Hoài My

Chuộc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi không có ủy quyền

Xin chào Luật Sư. Tôi có 1 vấn đề muốn xin ý kiến của Luật sư như sau: Năm 1993, gia đình tôi có cầm cố 8 công đất nông nghiệp cho ông A, số tiền là 2,5 cây vàng. Và 2 bên giao hẹn khi nào gia đình tôi có đủ số vàng trên sẽ cho chúng tôi chuộc lại đất. Khi giao hẹn và giao tiền 2 bên không có làm giấy tờ vì có quan hệ họ hàng thân thích

 

... Đến năm 1996, gia đình tôi có ra ngân hàng C vay số tiền là 5 triệu đồng , giấy tờ thế chấp là giấy sở hữu quyền sử dụng đất (của 8 công đất nêu trên). Lãi hàng tháng là 150.000/thang . Chúng tôi đóng được 4 tháng , sau đó gia đình tôi đi làm xa thì ở nhà ông A ra ngân hàng chuộc giấy QSDD của chúng tôi về, mà không có sự đồng ý hay giấy ủy quyền của gia đình chúng tôi. Khi lấy được giấy về ông A còn báo cho Ngoại của tôi biết số tiền chuộc là 7.5 triệu đồng. Đến năm 1999, gia đình tôi quay về quê sinh sống thì được Ngoại tôi kể lại mọi chuyện, nhưng vì lúc đó gia đình tôi không có khả năng nên không nói gì. Nhưng từ đó đến nay  ông A chưa lần nào gặp gia đình tôi để nói về việc đã chuộc lại giấy QSDD. Đến nay, khi gia đình tôi đề cập đến việc trả vàng và trả  lại số tiền chuộc giấy QSDD (số tiền này chúng tôi chấp nhận chịu lãi theo ngân hàng từ 1996 đến nay) để lấy lại đất thì ông A không đồng ý. Ông A bảo số vàng là 3,8 cây và số tiền chuộc giấy CNQSDD là 13 triệu. Nhưng ông A bảo ông sẽ trả lại đất với điều kiện phải trả 50 triệu/ 1 công đất, chứ không theo thỏa thuận ngày xưa. Vì không thể chấp nhận yêu cầu đó , nên gia đình chúng tôi đã gửi đơn khiếu nại đến trụ  sở nơi chúng tôi sinh sống ( Ấp). Và họ yêu cầu hai bên hòa giải nhưng hai bên vẫn giữ nguyên lập trường nên chúng tôi tiếp tục gửi đơn đến UBND xã để yêu cầu được giải quyết thỏa đáng. Vậy với góc nhìn chuyên ngiệp về pháp luật của Luật Sư:

 

1. Yêu cầu của chúng tôi có hợp pháp hay không?

 

3. Ông A đi chuộc giấy QSDD mà không có giấy ủy quyền của chúng tôi ( hoặc làm giả giấy ủy quyền) thì có vi phạm pháp luật hay không? Mức sử phạt như thế nào?

 

 Vì đang trong quá trình xét xử ở UBNN xã, nên chúng tôi rất cần ý kiến quý báo của Luật Sư về pháp luật để biết bước tiếp theo nên làm như thế nào. Hy vọng sẽ nhận được phản hồi sớm của các Luật Sư. xin chào và cám ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

1. Yêu cầu của chúng tôi có hợp pháp hay không?

 

Như bạn đã trình bày, gia đình bạn có cầm cố 8 công đất nông nghiệp cho ông A, để đảm bảo thực hiên nghĩa vụ là trả 2,5 cây vàng. Và 2 bên giao hẹn khi nào gia đình tôi có đủ số vàng trên sẽ cho gia đình bạn chuộc lại đất. Đây là giao dịch cầm cố được quy định tại điều 326 bộ luật dân sự 2005 như sau:

 

Điều 326. Cầm cố tài sản

 

"Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự."

 

Và hình thức của việc cầm cố tài sản phải được lập thành văn bản theo quy định tại điều 327 Bộ luật dân sự:


"Việc cầm cố tài sản phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính",

 

Với trường hợp của bạn, bạn thông tin rằng khi giao hẹn và giao tiền 2 bên không có làm giấy tờ vì có quan hệ họ hàng thân thích nên giao dịch cầm cố giữa bạn và ông A là vô hiệu do không tuân thủ điều kiện về mặt hình thức của giao dịch theo điều 134 bộ luật dân sự 2005:

 

"Điều 134. Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức

 

Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu."

 

Mặt khác, theo quy định tại điều 137 bộ luật dân sự:

 

"Điều 137. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu

 

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.

 

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.

 

Như vậy, khi giao dịch cầm cố tài sản giữa bạn và ông A vô hiệu thì hai bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Vậy, ông A phải trả cho gia đình bạn 8 công đất cùng với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 8 công đất đó đã chuộc tại ngân hàng của gia đình bạn. Trường hợp ông A cố tình không trả thì gia đình bạn hoàn toàn có quyền khiếu nại, khởi kiện đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên yêu cầu của bạn là hợp lý.

 

2. Ông A đi chuộc giấy CNQSDD mà không có giấy ủy quyền của chúng tôi ( hoặc làm giả giấy ủy quyền) thì có đúng hay không?

 

Việc ông A đi chuộc giấy QSDĐ mà không có giấy ủy quyền của gia đình bạn là không hợp pháp bởi ông A chỉ có quyền chuộc lại giấy CNQSDĐ nếu có giấy ủy quyền, nếu không có thì đây là thực hiện công việc nhân danh người khác khi không có sự đồng ý của họ nhưng vì lợi ích của mình khi mà gia đình bạn không hề biết về việc ông A đã chuộc lại giấy CNQSDĐ (lưu ý trường hợp này không phải là trường hợp thực hiện công việc không có ủy quyền theo quy định tại điều 594 bộ luật dân sự)

 

Nếu ông A làm giả giấy ủy quyền để chuộc lại giấy chứng nhận quyến sử dụng đất 8 công đất của gia đình bạn thì ông A có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 139 bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung 2009 và gia đình hoàn toàn có quyền tố giác hành vi phạm tội của ông A, cụ thể, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định như sau:

 

"1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến ba năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

 

a) Có tổ chức;

 

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

 

c) Tái phạm nguy hiểm;

 

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

 

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

 

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

 

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

 

3. Phạm tội thuộc một  trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

 

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

 

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

 

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây,  thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

 

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

 

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

 

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Chuộc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi không có ủy quyền. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV.Khuất Hạnh - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo