Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Chuẩn đoán sai bác sỹ phải chịu trách nhiệm như thế nào?

Chào quý luật sư, Tôi có người cô ruột đi khám bệnh tại 2 bệnh viện tại Daklak. Đầu tiên là khám tại bệnh viện A, họ lấy dịch hút từ phổi ( bị tràn dịch phổi) xét nghiệm, chuẩn đoán có thể ung thư phổi.

Sau đó họ cho chuyển viện lên bệnh viện B, ở đây họ cho nhập viện, lại xét nghiệm từ đầu ( có lấy dịch phổi xét nghiệm, sau đó lấy mẫu sinh thiết). Và thời gian nằm viện rất lâu chỉ để uống thuốc giảm đau, họ cũng nói cô tôi bị ung thư phổi giao đoạn 4 (theo tôi hiểu là giao đoạn cuối). Hẹn ngày hóa trị...

Nhưng các em tôi trong khi chờ hóa trị, các em tôi đưa cô vào sài gòn, Bệnh viện C, ở đây bác sĩ thăm khám và nói kết quả hoàn toàn khác. Kết quả là bị lao màng phổi.

Điều này hẳn rất vui vì ko phải bị ung thư giao đoạn cuối như 2 bệnh viện đầu khẳng định. Nhưng có 2 điều tôi băn khoăn:

Thứ 1: chuẩn đoán sai giữa ung thư và lao màng phổi là khó chấp nhận. Ở bệnh viện C họ hút dịch phổi sau khi cô tôi nhập viện ít lâu. Nếu vì chuẩn đoán sai, chậm trễ trị lao màng phổi, trong thời gian cô tôi chờ hóa trị như bệnh viện B, thời gian này cô tôi bị ảnh hưởng sức khỏe thì sao?

Thứ 2: trong thời gian nằm tại bệnh viện B, chúng tôi tốn tiền nộp viện phí chỉ để nhận kết quả sai. Tiền này liệu có đáng? trong khi cô tôi rất nghèo, tiền phải đi vay, mượn. Em tôi tính bán rẫy để hóa trị cho mẹ nữa.

Thời gian đó chúng tôi rất đau khổ về mặt tin thần lẫn vật chất. Chục triệu với người khác không nhiều, nhưng đối với chúng tôi rất có giá trị. Hiện tại cô tôi đang nằm trị lao màng phổi tại bệnh viện C. Và chứng từ của các BV cũ chúng tôi còn giữ. Điều này chứng tỏ họ làm việc tắc trách. Đội ngũ bác sĩ không lương tâm và thiếu kinh nghiệm. Nếu cô tôi có mệnh hệ gì các em tôi sẽ ra sao?

Chúng tôi muốn kiện họ cần chuẩn bị thủ tục gì? xin quý cơ quan giúp đỡ.

 

TRẢ LỜI: Chào bạn! Cám ơn bạn đã gửi mail cho chúng tôi, thắc mắc của bạn chúng tôi xin giải đáp như sau:

 

Bác sĩ phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra sai sót về chuyên môn kỹ thuật trong việc chẩn đoán, chữa trị bệnh của mình. Khi có khiếu nại của bệnh nhân hoặc người nhà về sai sót của bác sĩ thì việc xác định bác sĩ có vi phạm trong chăm sóc và điều trị người bệnh hoặc vi phạm các quy định chuyên môn kỹ thuật và đạo đức nghề nghiệp hay không thì sẽ thành lập Hội đồng chuyên môn để xác định.

 

Tại Nghị định 96/2011/NĐ-CP xử phạt hành chính về khám chữa bệnh thì các bác sĩ vi phạm quy định về chuyên môn kỹ thuật có thể bị phạt tiến tối đa là 40.000.000 đồng. Nếu gây chết người, có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp quy định tại Điều 99 Bộ luật hình sự 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009.
 

Điều 99. Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính
 

1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.
 

2. Phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.
 

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Tuy nhiên, khám chữa bệnh và việc chẩn đoán của bác sĩ đây là vấn đề thuộc về lĩnh vực khoa học, nó dựa vào năng lực chuyên môn, cơ sở vật chất, thiết bị máy móc của bệnh viện có giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác hay không. Do đó, bác sĩ phải chịu trách nhiệm khi vi phạm các quy tắc nghề nghiệp gây hậu quả chết người hoặc gây ra tai biến cho người bệnh. Vậy nên, đối với trường hợp của bạn, sẽ rất khó để xác định trách nhiệm của bác sĩ bởi nó phụ thuộc nhiều vào yếu tố chủ quan, khách quan tác động đến.

 

Thân ái!

Luật gia: Nguyễn Thị Thu - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo