Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Cho mượn sổ đỏ để vay tiền thì có phải trả nợ thay không?

Xin chào công ty Luật Minh Gia. Nhờ luật sư tư vấn giúp tôi 1 vấn đề về việc cho mượn sổ đỏ để thế chấp vay vốn ạ. Tôi cho bạn tôi mượn sổ đỏ đi cầm cố vay số tiền 400 triệu từ năm 2016 đến cuối năm 2018 bạn tôi bị phá sản không còn khả năng trả nợ. Giờ bên cho vay cầm sổ đỏ đến gia đình tôi gây khó dễ làm ảnh hưởng cuộc sống gia đình tôi. vậy tôi có thể lấy lại được sổ đỏ không. trong giấy vay tiền bạn tôi không ghi cầm cố sổ đỏ của gia đình tôi.

Nếu tôi kiện bên cho vay bạn tôi có bị ảnh hưởng về hình sự không hay chỉ là dân sự. dạ cảm ơn luật sư.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn anh đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn về trường hợp của anh như sau:

Theo thông tin anh cung cấp, bạn anh cầm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình anh để vay mượn số tiền 400 triệu đồng, như vậy cần xác định anh hoặc tài sản của anh liên quan thế nào trong giao dịch cho vay tài sản này.

Anh có cung cấp thông tin, anh giao sổ đỏ cho người bạn để đem cầm cố tài sản, nhưng không trình bày rõ anh có tham gia ký kết văn bản thế chấp tài sản hay nhận bảo lãnh cho người bạn của mình khi vay tiền hay không. Trong sự việc này, anh chỉ phải chịu trách nhiệm trả nợ và tài sản là quyền sử dụng đất của anh chỉ được coi là tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ trả nợ nếu anh có ký kết hợp đồng thế chấp hoặc bảo lãnh. Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về thế chấp tài sản và bảo lãnh tại Điều 317 và Điều 335 như sau:

Điều 317. Thế chấp tài sản

1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).

2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.

Điều 335. Bảo lãnh

1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

2. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Theo quy định tại các điều luật trên, việc thế chấp tài sản phải do chủ sở hữu hợp pháp của tài sản đó hoặc người được chủ sở hữu tài sản ủy quyền thực hiện, việc anh chỉ giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không ký giấy ủy quyền hoặc hợp đồng thế chấp tài sản (các văn bản này phải công chứng mới có giá trị pháp lý) không làm phát sinh trách nhiệm trả nợ của anh và quyền sử dụng đất không được coi là tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Tương tự như vậy, nếu anh không đứng ra ký bảo lãnh cho khoản vay của người bạn này thì anh không có trách nhiệm trả nợ thay cho họ.

Do đó, những người "chủ nợ" tuy đang giữ giấy chứng nhận của gia đình anh, nhưng không có quyền yêu cầu anh trả nợ hoặc "gán đất" để thực hiện nghĩa vụ. Anh có thể gửi yêu cầu kiện đòi tài sản (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) đến Tòa án để được giải quyết.

Vấn đề kiện tụng của anh có dẫn đến trách nhiệm dân sự hay hình sự của bạn anh hay không, hiện tại chúng tôi không thể xác định do không có đủ thông tin để phân tích. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo