Cà Thị Phương

Cho đất cho con có đòi lại được không?

Luật sư tư vấn về trường hợp khi bố mất không có để lại di chúc nên có thỏa thuận và thống nhất chuyển tên sang cho mẹ, mẹ đã tặng cho vợ chồng anh trai. Cụ thể như sau:

 

Nội dung tư vấn: Nhà tôi có 10 anh em, 05 trai và 05 gái, nhà tôi có được 36 công đất, trước đây khi cha tôi còn sống có chia 05 công đất cho anh thứ 2 và anh thứ 5 làm chung nhưng không có làm giấy tờ. Đến năm 2005 cha tôi qua đời mà không để lại di chúc nên anh em tôi có làm giấy ký xác nhận chuyển tên sang cho mẹ tôi đứng tên. Mẹ tôi ở chung nhà với anh trai thứ 7, vì nhà nghèo nên tôi đi làm công nhân ở xứ xa, đến năm nay tháng 8/2016 vợ chồng anh 7 nói gạt me sang tên toàn bộ đất cho vợ chồng anh ấy (kể cả phần đất của anh 2 và anh 5 tôi), anh ấy hứa sẽ xây nhà lại và phụng dưỡng cho mẹ tôi. Mẹ tôi vì tin vợ chồng a ấy nên đã đồng ý sang tên. Trong khi tôi đi làm xa không hề hay biết gì, đến khi vợ chồng anh không lo cho mẹ, đối xử tệ bạc với mẹ thì mẹ mới nói cho anh chị tôi và tôi biết (anh 7 tôi không biết chữ bị vợ xúi giục và lo mọi giấy tờ), đến khi tôi trở về nhà thăm mẹ thì tôi thấy rất đau lòng trước những gì vợ chồng anh ấy làm, sau khi lấy được đất thì vợ chồng anh ấy đã chuyển hộ khẩu về bên vợ hết, về bên vợ làm ăn. (Trong sổ hộ khẩu hiện tại chỉ còn tên của mẹ tôi và tôi, đất thì anh ấy đã đứng tên và anh ấy đã chuyển khẩu đi thì tôi sẽ ở phải ở hộ khẩu nào? Và ở đâu?) Vậy mong luật sư tư vấn giúp tôi trường hợp này mẹ tôi tự ý sang tên toàn bộ đất cho anh 7 tôi là đúng hay sai? Mẹ tôi có lấy đất lại được không? Tôi cũng không biết mẹ tôi đã ký hợp đồng gì với vợ chồng anh 7 (có điều kiện hay không có điều kiện?), tôi chỉ thấy anh 7 tôi đem sổ đỏ ra cho tôi xem thôi. Rất mong luật sư tư vấn giúp tôi phải làm như thế nào? Tôi xin trân trọng cám ơn.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo như thông tin bạn đưa ra thì khi bố bạn mất không có để lại di chúc nên các anh em đã có thỏa thuận và thống nhất chuyển tên sang cho mẹ bạn đứng tên. Lúc này, mẹ bạn đã trở thành chủ ở hữu quyền sử dụng đất do đó mẹ bạn có quyền mua bán, chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất cho người khác. Nếu bà đã tặng cho vợ chồng anh 7, hai vợ chồng anh đã sang tên sổ đỏ thì giờ quyền sở hữu quyền sử dụng đất đã thuộc về hai vợ chồng anh 7. Có đòi được hay không cần phải xem xét xem bà cho hai vợ chồng anh 7 là tặng cho có điều kiện hay không có điều kiện. Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì về tặng cho có điều kiện thì:

 

Điều 462. Tặng cho tài sản có điều kiện

 

1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

 

2. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.

 

3. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

 

Theo đó thì khi không thực hiện nghĩa vụ sau khi được tặng cho thì bên được tặng cho là mẹ bạn sẽ có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

 

Ngoài ra, nếu có thể chứng minh được giao dịch tặng cho trước đây có hành vi lừa dối thì mẹ bạn có thể yêu cầu tuyên bố giao dịch đó vô hiệu theo Điều 122 Bộ luật Dân sự năm 2015.. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015. Trong trường hợp này, các bên khôi phục tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, như vậy lúc này mẹ bạn có thể đòi lại được một phần số tài sản trên.

 

Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu

 

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

 

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

 

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

 

3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

 

4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

 

5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !
CV tư vấn: Nguyễn Hoa - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo