Hoàng Tuấn Anh

Phân chia thừa kế khi bố mẹ chết không để lại di chúc

Xin chào luật sư ! Nhờ luật sư tư vấn trường hợp của tôi về tranh chấp đất đai nhà cửa về tài sản không có thừa kế. Trường hợp của tôi: tôi là anh cả trong một gia đình 7 anh em. Gia đình tôi sống cùng ba mẹ trong một ngôi nhà được ba tôi đứng tên chủ hộ. Ba tôi mất nhưng cũng chưa sang tên lại cho mẹ tôi hay bất cứ ai khác được thừa hưởng.

 

Rồi thời gian mẹ tôi cũng qua đời. Và cũng không sang tên quyền thừa hưởng cho ai trong số 7 anh em chúng tôi. Nhưng trong lúc ba mẹ tôi còn sống thì có mua nhà cho 2 người em trai của tôi vì họ cưới vợ (nhưng không có giấy tờ xác nhận việc ba mẹ tôi bỏ tiền ra mua nhà cho 2 người em tôi). Hiện giờ ngôi nhà tôi đang ở là do ba tôi đứng tên nhưng ba tôi đã mất, tôi sinh sống ở trong ngôi nhà cùng 1 người em gái của tôi và 2 người em trai của tôi ... (tôi và em trai thứ 2 tôi không có vợ, em gái thứ 2 của tôi không có chồng) chỉ có duy nhất đứa em trai út là có vợ và con cũng đang sống trong ngôi nhà. Chỉ có 2 đứa em trai thứ 4 và thứ 5 và đứa em gái thứ 6 của tôi là đều có gia đình và có nhà riêng sinh sống 4 anh em (hiện còn ở trong ngôi nhà do ba tôi đứng tên) lo làm ăn buôn bán. Mỗi tháng tôi thường đưa 3tr cho 2 người em trai 4-5 có nhà riêng để họ không về gây ổn ào đòi bán nhà (việc đưa tiền này ko có giấy tờ). Thời gian mẹ tôi mới mất khoảng 1-2 năm. Bây giờ người em thứ 5 của tôi gửi đơn lên toà và yêu cầu bán nhà 4 anh em tôi hiện đang ở, thời gian trước người em thứ 5 của tôi luôn về gây sự và đỏi hỏi tiền bạc trong nhà. Vậy xin hỏi luật sư: Nếu 4 người anh em hiện đang ở trong ngôi nhà do ba tôi (đã mất đứng tên) không đồng ý bán hoặc chia tiền cho người em thứ 5 có được không? Và nếu việc lo toan chi phí cho ngôi nhà do 4 anh em tôi gánh vác từ xưa đến giờ thì 4 anh em tôi đc hưởng quyền ưu tiên gì không nếu bắt buộc phải bán nhà khi bị người em thứ 5 khỏi kiện. Xin luật sư tư vấn giúp. Chân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn anh đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của anh chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, là về việc 4 anh em anh đang ở trong ngôi nhà của bố mẹ anh để lại có thể không đồng ý bán hoặc chia tiền cho người em thứ 5 được không?

 

Như anh đã trình bày ở trên thì bố mẹ anh đã chết và không để lại di chúc vì vậy mà di sản thừa kế là ngôi nhà sẽ được chia theo pháp luật.

 

Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về những người thừa kế theo pháp luật như sau:

 

“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

 

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết

….”

Như vậy tất cả 7 anh em của anh thuộc hàng thừa kế thứ nhất và đều được hưởng phần di sản mà bố mẹ để lại.

 

Điều 660 và 661 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về phân chia di sản theo pháp luật :

 

"Điều 660. Phân chia di sản theo pháp luật

 

1. Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.

 

2. Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.

 

"Điều 661. Hạn chế phân chia di sản

 

Trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thỏa thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia.

 

Trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định. Thời hạn này không quá 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn 03 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu Tòa án gia hạn một lần nhưng không quá 03 năm.”

 

Theo đó người em của anh có quyền yêu cầu bán ngôi nhà để phân chia di sản. Nhưng vì ngôi nhà đó hiện đang là nơi ở duy nhất, cũng là nơi làm ăn buôn bán của 4 anh em vì vậy việc người em thứ 5 yêu cầu bán ngôi  nhà để chia di sản sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của 4 anh em anh. Vì vậy anh có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần di sản của mỗi người được hưởng nhưng chưa cho chia trong khoảng thời gian là 3 năm, nếu hết thời hạn 3 năm mà việc bán ngôi nhà để chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của anh em anh thì anh có quyền yêu cầu gia hạn 1 lần nhưng không quá 3 năm.

 

Như vậy anh không thể không đồng ý bán ngôi nhà hoặc chia tiền cho người em mà anh chỉ có thể yêu cầu hạn chế phân chia di sản.

 

Thứ hai, Khi người em thứ 5 khởi kiện bán ngôi nhà để chia di sản thì 4 anh em anh có được hưởng quyền ưu tiên gì không khi mà việc lo toan cho ngôi nhà đều do 4 anh em anh gánh vác chi phí từ xưa tới nay?

 

Tại Khoản 2 Điều 651 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định:

 

“2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.”

 

Theo đó thì ngôi nhà sẽ được chia đều cho 7 anh em, 4 anh em anh sẽ không được hưởng  bất cứ quyền ưu tiên nào.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV Nguyễn Thị Pha - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo