Luật sư Lê Văn Chức

Chia thừa kế các cho cháu khi ông bà và bố qua đời

Ông bà nội em có 3 người con. 1 trai, 2 gái. Năm 1993 ông em mất, cuối năm đó bố mẹ em cũng ly dị. Bố mẹ em có 4 người con gái.Năm 1994, bố em đưa 1 người phụ nữ và một cậu con trai đã 6 tuổi về nói là con riêng, sau đó họ có thêm 1 người con nữa. họ không có đăng lý kết hôn. Năm 2003, bố em mất. Đến năm 2010, Bà em mất do tai biến mà không để lại di chúc. Vậy giờ chia tài sản là mảnh đất của ông bà như thế nào?

 

Thưa luật sư!

Ông bà nội em có 3 người con. 1 trai, 2 gái. Khi Bác gái và cô út đi lấy chồng Ông bà đều chia đất để cô và bác xây nhà. Còn bố em vẫn ở với ông bà trên mảnh đất hương hỏa, và coi đó là phần đất mà ông bà cho bố em khi ông bà mất.

Năm 1993 ông em mất, cuối năm đó bố mẹ em cũng ly dị. Bố mẹ em có 4 người con gái, khi ly dị em là chi cả và con thứ 3 ở với bố và bà nội trên mảnh đất ông bà nội để lại cho bố. Con thứ 2 và con út theo mẹ về ở nhà ông bà ngoại.

Năm 1994, bố em đưa 1 người phụ nữ và một cậu con trai đã 6 tuổi về nói là con riêng mà họ quan hệ với nhau khi bố mẹ em vẫn sống chung. Cuối năm 1994 bố em và người phụ nữ kia sinh them một cậu con trai nữa. (Bố em và người phụ nữ này không có đăng ký kết hôn)

Năm 1998, vì xung đột giữa mẹ chồng nàng dâu mà người phụ nữ kia về nhà ngoài và kéo bố em đi cùng. Từ đó chỉ có em và em thứ 3 sống cùng bà nội.

Đến năm 2003, bố em gặp tai nạn và mất.

Đến năm 2005, Bà cháu em được nhà nước trợ cấp để làm nhà (bà em là mẹ liệt sĩ lại thuộc diện hộ nghèo). Trong quá trình làm nhà người phụ nữ và 2 cậu con trai kia không có chút đóng góp gì cả về công sức lẫn tiền bạc.

Năm 2008 bà em đột ngột bị tai biến và nằm một chỗ, hôn mê không tỉnh táo, nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều do con cháu phục vụ. Lúc này, gia đình em có đề nghị với người phụ nữ kia là về ở chăm sóc bà và chông coi nhà cửa (vì lúc này cả em và em gái đều đỗ đại học và đi làm dưới hà nội). Nhưng người phụ nữ đó không nghe và cũng không có bất cứ trợ cấp hay giúp đỡ nào để gia đình nuôi và chăm sóc bà.

Đến năm 2010, Bà em mất do tai biến mà không để lại di chúc. Tuy nhiên trong khi còn khỏe mạnh bà em vẫn bảo với con cháu là: Sau này nếu bà mất thì mảnh đất của Bố em (tức mảnh đất 3 bà cháu em đang ở) được chia cho 4 đứa là: 1. Em; 2. Em gái thứ 3 và 2 cậu con trai riêng của bố với người phụ nữ kia.

Nay em và em gái thứ 3 đều đã lập gia đình và ở xa (em ở Hà Nội, em gái ở Yên Bái). Nhà cửa ở quê nhờ các bác và cô chú chông nom. Nhưng ngày giỗ ngày tết 2 chị em vẫn về làm giỗ và lễ tết đầy đủ. Còn 2 cậu con trai kia thì không có bất cứ hành động nào gọi là có ý thức thờ cúng, lễ tết.

Nay chị em em thống nhất muốn chia tài sản của ông bà và bố để lại cho 6 chị em để yên tâm và ổn định cuộc sống.
Theo các bác con của bà nội em thì vì em và em gái thứ 3 ở  với bà từ nhỏ và có công trong việc xây dựng cũng như chông nom nhà cửa nên sẽ được ưu tiên phần hơn và nhận phần đất đẹp hơn. Còn lại chia làm 4 cho 2 cậu con trai và 2 cô con gái ở với mẹ em sau khi bố mẹ em ly dị. Còn ngôi nhà hiện tại sẽ để làm nơi thờ cúng chung không ai được ở và sử dụng vào mục đích riêng ngoài việc thờ cúng.

Vậy, luật sư cho em hỏi các bác em thực hiện như vậy có đúng không. Nếu không đúng thì xin luật sư tư vấn cho em về biện pháp giải quyết vấn đề này như thế nào ạ.

Mong nhận được sự tư vấn và hỗ trợ của Luật sư.

Em xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi nội dung yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với những thắc mắc của bạn, chúng tôi xin đưa ra yêu cầu tư vấn như sau:
 

Căn cứ theo quy định tại điều 629 BLDS 2015 quy định về di chúc miệng như sau:

 

“1. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.

 

2. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.”

 

Khoản 5 Điều 652 BLDS 2015 quy định về di chúc được coi là hợp pháp như sau: "… 5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.”

 

Như vậy, trong trường hợp của bạn việc bà của bạn mất không để lại di chúc, khi còn khỏe mạnh bà vẫn bảo với con cháu là: Sau này nếu bà mất thì mảnh đất được chia cho 4 đứa là: 1. Bạn, 2. Em gái thứ 3 và 2 cậu con trai riêng của bố với người phụ nữ kia. Đây là di chúc miệng không có giá trị pháp lý.Vì sau khi bà bạn lập di chúc bằng miệng thì di chúc này không được ghi chép lại và không được đem đi công chứng trong vòng 5 ngày kể từ ngày bà của bạn để lại di chúc. Do đó, tài sản để lại sẽ không được chia theo di chúc này.
 

Thứ nhất,  Trường hợp việc phân chia di sản thừa kế được các bên thỏa thuận và đồng ý:
 

Nếu việc phân chia di sản thừa kế cho 6 chị em được thỏa thuận và được sự đồng ý của tất cả các bên thuộc diện được thừa kế ( bao gồm mẹ của bạn, cô, bác của bạn và 6 chị em) thì sẽ không có vấn đề gì. Pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận này.
 

 Để được thuận lợi cho việc sang tên quyền sử dụng đất và tránh những tranh chấp sau này có thể xảy ra thì nội dung thỏa thuận này cần được lập thành văn bản và có Công chứng của cơ quan Công chứng.
 

Thứ hai, việc thừa kế tài sản không được các bên đồng ý theo thỏa thuận.
 

Trường hợp việc thỏa thuận không thành thì khối tài sản này ( tạm gọi là mảnh đất A) sẽ được chia theo pháp luật kể từ khi ông bạn mất. Theo đó, mảnh đất trên sẽ được chia đôi thành 2 phần cho ông của bạn và bà của bạn (chia theo quy định về tài sản trong hôn nhân). Sau khi ông bạn qua đời thì chỉ có phần đất của ông bạn sẽ được đưa ra chia thừa kế ( tạm gọi là mảnh đất B. Trong đó, mảnh đất B = ½ mảnh đất A), còn mảnh đất thuộc quyền quản lý, sử dụng và định đoạt của bà bạn thì vẫn thuộc quyền riêng của bà bạn.
 

Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất tại thời điểm ông bạn mất sẽ là: bà của bạn, bố bạn, bác và cô của bạn ( chia đều thành 4 phần). Do bố của bạn và mẹ của bạn khi đó vẫn đang trong thời kỳ hôn nhân mà không có bằng chứng chứng minh ông của  bạn chỉ để thừa kế riêng cho bố bạn nên phần tài sản bố bạn được hưởng thừa kế vẫn được coi là tài sản chung của cả bố và mẹ bạn. Kết quả sẽ là:
 

Bà của bạn: ¼ mảnh đất B.
 

Bố và mẹ của bạn: ¼ mảnh đất B.
 

Bác của bạn: ¼ mảnh đất B.
 

Cô của bạn: ¼ mảnh đất B.
 

Cùng với đó, bác và cô bạn đã được ông bà cho đất từ trước, bây giờ nếu như bác và cô không có ý định nhận thừa kế phần đất này thì có thể làm giấy từ chối nhận thừa kế. Và như vậy khối tài sản này chỉ chia thành 2 phần ( bao gồm phần của bà bạn và bố mẹ bạn). Do đó, khối tài sản sẽ được phân chia như sau:
 

Bà của bạn: ½ mảnh đất B.
 

Bố và mẹ của bạn: ½ mảnh đất B.
 

Sau khi bố và mẹ bạn ly hôn không có thỏa thuận gì về việc chia tài sản. Do đó, phần tài sản được thừa kế chung do ông bạn để lại cho bố và mẹ bạn sẽ được chia thành 2 phần đều cho cả 2 bên ( bố của bạn và mẹ của bạn). Kết quả chia di sản sẽ là:
 

Bố của bạn: ¼ mảnh đất B.
 

Mẹ của bạn: ¼ mảnh đất B.
 

Sau khi bố của bạn mất thì Khối tài sản của bố bạn sẽ được chia đều cho hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: bà của bạn, 6 chị em bạn ( mỗi người sẽ được hưởng: ¼ mảnh đất B chia thành 7 phần. Do khi bố bạn mất, mẹ bạn đã ly hôn nên không được hưởng thừa kế do bố bạn để lại. Khi đó kết quả của việc chia tài sản sẽ là:
 

Bà của bạn: 1/ 28 mảnh đất B.
 

Sáu chị em của bạn, mỗi người sẽ được hưởng: 1/28 mảnh đất B.
 

Sau khi bà của bạn mất thì khối tài sản của bà tổng thể sau các lần mở thừa kế sẽ là 43/28 mảnh đất B ( bao gồm: ½ mảnh đất A, ½ mảnh đất B, 1/28 mảnh đất B) sẽ lại được chia theo pháp luật với đối tượng thuộc hàng thừa kế thứ nhất thuộc diện được hưởng thừa kế bao gồm: bác, cô của bạn và bố bạn (tuy nhiên, do bố của bạn mất trước thời điểm mở thừa kế nên theo quy định tại  Điều 651 Bộ Luật Dân sự năm 2015 thì 6 chị em bạn được thừa kế thế vị phần tài sản này). Nếu như cô và bác tiếp tục từ chối nhận thừa kế thì phần đất của bà bạn để lại sẽ được chia đều cho 6 chị em bạn.
 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Chia thừa kế các cho cháu khi ông bà và bố qua đời. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn thừa kế trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng
CV: Tạ Nga - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo