Hoàng Thị Nhàn

Chia di sản thừa kế là ruộng đất theo quy định của pháp luật

Kính gửi cty Luật Minh Gia! Gia đình tôi có bốn người, mẹ và em trai tôi mất sớm do tai nạn sau một thời gian mẹ mất cha tôi đi thêm bước nữa và có thêm một em trai. Mẹ và cha ruột tôi có phần tài sản chung la 33 công đất ruộng và một nền nhà 4 công.

 

Nội dung yêu cầu:   Kính gửi cty Luật Minh Gia! Gia đình tôi có bốn người, mẹ và em trai tôi mất sớm do tai nạn sau một thời gian mẹ mất cha tôi đi thêm bước nữa và có thêm một em trai. Mẹ và cha ruột tôi có phần tài sản chung la 33 công đất ruộng và một nền nhà 4 công. Trong thời gian sống chung với gia đình mới, cha tôi có chuyển một phần tài sản cho tôi đứng tên (14 công đất) còn lại 19 công đất và 1 một nền nhà 4 công đất. Một thời gian sau, cha tôi bệnh nặng qua đời, trong lúc bệnh nặng có để lại lời nói miệng sẽ chia cho tôi thêm phần tài sản là 4 công đất trong số 19 công và 2 công trong 4 công nền nhà (tổng là 23 công cho tôi 6 công, phần còn lại 17 công để lại cho mẹ mới và em trai sau). Và di chúc đó là lời nói miệng của cha tôi trước lúc mất. Mẹ mới về sống chung không có làm ra thêm tài sản nào nửa. Và em trai sau này hiện tại đang học lớp 3. Tôi không đồng ý với cách chia trên do mẹ mới này trong thời gian sống chung với cha tôi thường xuyên đánh nhau và bỏ nhà đi. Trung bình một năm đi 2 lần khoảng 2 hoặc 3 tháng mới về, lần cha tôi phát bệnh về trước đó khoảng 3 tháng. Tôi muốn chia lại theo 3 phần đều nhau trong 19 công đất: mẹ mới, em trai và tôi có được không? Còn 4 công nền nhà tôi muốn chia đôi do phần đó của bà Nội cho cha lúc ra riêng. Lời noi miệng có ảnh hưởng khi tôi muốn chia tai san ra lam 3 phần không? Lời nói miệng có nhiều người làm chứng nhưng không có xác nhận ra giấy ký tên. Hiện tại tôi 25t. Và đang kiện ra toà để giải quyết.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Căn cứ Điều 650 BLDS 2015 quy định về những trường hợp thừa kế theo pháp luật:

 

“Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

 

1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

 

a) Không có di chúc;

 

b) Di chúc không hợp pháp;

 

c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

 

d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

 

Điều 651 BLDS 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật:

 

“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

 

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

…”

Điều 630 BLDS 2015 quy định về di chúc hợp pháp:

 

Điều 630. Di chúc hợp pháp

 

1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

 

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.”

 

Chiếu theo quy định trên với trường hợp của bạn thì khi mẹ bạn mất nếu không để lại di chúc thì di sản của mẹ bạn được chia theo pháp luật. Di sản của mẹ bạn để lại là ½ của 33 công đất, 4 công nền và được chia đều cho chồng, con, bố, mẹ của mẹ bạn, tức hàng thừa kế thứ nhất.

 

Theo quy định tại khoản 5 điều 630 BLDS thì di chúc miệng của bố bạn để lại trước khi chết là không hợp pháp bởi những người làm chứng cần ghi chép lại và kí tên, sau đó không quá 05 ngày phải được công chứng, chứng thực. Vì vậy, theo điều 650 BLDS thì di sản của bố bạn sẽ được chia theo quy định của pháp luật, tức chia đều cho hàng thừa kế hàng thứ nhất: vợ, con, bố, mẹ của bố bạn.

 

Trong trường hợp của bạn, có thể khởi kiện yêu cầu tòa án quận, huyện chia di sản thừa kế của mẹ, bố bạn nếu chưa hết thời hiệu khởi kiện là 10 năm. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 623 BLDS 2015 quy định về thời hiệu khởi kiện về thừa kế: "Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế".

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Chia di sản thừa kế là ruộng đất theo quy định của pháp luật. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV. Lê Minh - Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo