Lò Thị Loan

Chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất do bố mẹ để lại

Thỏa thuận phân chia di sản có buộc phải bằng văn bản hay không? Trường hợp hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế thì người thừa kế có thể yêu cầu chia di sản được không? Chia di sản thừa kế và đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản trên đất thế nào? và các vấn đề khác liên quan. Nội dung hỏi và trả lời tư vấn như sau:

1. Chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất theo quy định thế nào?

Câu hỏi: Bố mẹ tôi có một số tài sản chung gồm: 300m2 đất và căn nhà trên đất. Năm 1982 mẹ tôi mất. Đến năm 1984 bố tôi có lấy vợ hai và mua cho bà một căn nhà trên thửa đất 140m2 khác. Do hai anh em trai tôi đi bộ đội, chị và các em gái tôi đã lấy chồng và có nhà ở riêng, nên bà hai vẫn ở trên căn nhà của bố mẹ tôi. Năm 2001 bố tôi mất vì tai nạn giao thông, không có di chúc để lại; sau khi lo hậu sự cho bố tôi xong, tôi có họp gia đình và xác định quyền sở hữu tài sản: Thửa đất 300m2 và căn nhà trên đất của bố mẹ tôi do em trai tôi sở hữu, thửa đất 140m2 và căn nhà trên đất mới mua sau khi bà hai về do bà hai sở hữu, mọi thành viên trong gia đình đều nhất trí như vậy. Năm 2003 địa phương tôi mới bắt đầu cấp sổ đỏ xác lập quyền sử dụng đất, lúc đó hai anh em tôi đã đi bộ đội, hai thửa đất và căn nhà trên đất, chính quyền địa phương cấp sổ đỏ lấy tên bà hai. Nay em tôi đã xây dựng gia đình và muốn nhận lại tài sản của bố mẹ tôi để lại, nhưng bà hai không trả. Vây xin qúy luật sư hãy tư vấn cho tôi nên giải quyết thế nào cho đúng pháp luật.

Trả lời: Chào bạn, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Căn cứ Mục 2.4 Khoản 2 Phần I Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP thì:

a) Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:

a.1. Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc.

a.2. Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thảo thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.

a.3. Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.

b) Trường hợp người chết để lại di sản cho các thừa kế nhưng các thừa kế không trực tiếp quản lý, sử dụng mà di sản đó đang do người khác chiếm hữu bất hợp pháp hoặc thuê, mượn, quản lý theo uỷ quyền... thì các thừa kế có quyền khởi kiện người khác đó để đòi lại di sản.

Đồng thời căn cứ Điều 203 Luật đất đai năm 2013 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai thì:

- Trường hợp có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong những giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất (nhà ở, công trình xây dựng khác…) thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

- Trường hợp không có một trong giấy tờ trên thì có quyền lựa chọn Ủy ban nhân dân hoặc Tòa án giải quyết.

Theo đó, bạn có thể yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết hoặc khởi kiện tại Tòa án nơi cư trú của người vợ hai. 

Tuy nhiên khi giải quyết trường hợp này, bởi vì cả thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế đối với di sản thừa kế của mẹ bạn và của bố bạn đều đã hết thời hiệu (10 năm kể từ ngày mẹ, bố bạn mất) cho nên nếu như thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a Mục 2.4 Khoản 2 Phần I Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP trên thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về thừa kế.

Theo đó, di sản sẽ chuyển thành tài sản chung và khi có tranh chấp thì Tòa án căn cứ vào quy định pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết. Cụ thể:

- Nếu các đồng thừa kế thỏa thuận được về phần mỗi người được hưởng thì việc chia tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận đó.

- Nếu các đồng thừa kế không thỏa thuận được thì việc chia tài sản chung được thực hiện theo quy định pháp luật về chia tài sản chung.

Các đồng thừa kế đượcxác định như sau:

- Đồng thừa kế đối với di sản do mẹ bạn để lại: bạn, anh chị em ruột của bạn, bố bạn, ông bà ngoại của bạn (nếu còn sống vào thời điểm mẹ bạn mất).

- Đồng thừa kế đối với di sản do bố bạn để lại: bạn, anh chị em ruột của bạn, người vợ hai, ông bà nội của bạn (nếu còn sống vào thời điểm bố bạn mất).Đồng thời với việc khởi kiện chia tài sản trên thì bạn yêu cầu Tòa án hủy quyết định của địa phương về việc cấp sổ đỏ cho người vợ hai của bố bạn.

Bạn cần lưu ý: đối với thỏa thuận phân chia di sản trong buổi họp mặt gia đình sau khi bố bạn mất, thì phải có sự tham gia của tất cả những đồng thừa kế và phải được lập thành văn bản theo quy định của Điều 684 Bộ luật dân sự năm 1995 mới có giá trị pháp lý.

Trường hợp khởi kiện tại Tòa án bạn có thể tham khảo thủ tục tại: >> Quyền thừa kế quyền sử dụng đất do cha mẹ để lại (kèm theo Văn bản thỏa thuận phân chia di sản - nếu có)

Sau khi có bản án/quyết định của Tòa án hoặc quyết định giải quyết của UBND thì các thừa kế có thể tiến hành đăng ký quyền sử dụng đất đối với phần mình được nhận.

2. Chia di sản thừa kế và đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản trên đất thế nào?

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Bố vợ tối mất đột ngột không kịp để lại di chúc căn nhà cho vợ tôi, căn nhà là tiền bán đất của mẹ vợ tôi đứng tên. Gia đình cũng xác định sẽ thừa kế lại cho vợ tôi căn nhà, Nhưng bố vợ tối có 5 người con riêng . mối quan hệ anh e bình thường không điểu tiếng gì.. Vầy tôi xin hỏi nếu mẹ vợ tôi làm di chúc để lại quyền thừa kế của bà cho vợ tôi, và trong di chúc các anh chị chồng kí vào từ bỏ hoặc chuyển quyền thừa kế của họ cho vợ tôi thì có đc không, hay phải làm 1 văn bản nhượng quyền thừa kế riêng với di chúc.

Trả lời tư vấn: Chào bạn, đối với yêu cầu hỗ trợ của bạnchúng tôi tư vấn như sau:

Bố bạn mất không để lại di chúc nên phần tài sản thuộc sở hữu của bố bạn sẽ thuộc di sản thừa kế, chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Nếu những người thuôc hàng thừa kế thứ nhất không có tranh chấp gì về tài sản và mẹ vợ bạn cũng có ý chí để lại phần tài sản còn lại cho vợ bạn thì có thủ tục như sau:

+ Trước tiên, mẹ bạn có thể lập di chúc, định đoat phần tài sản thuôc sở hữu của mẹ bạn cho vợ bạn. Tuy nhiên, cần lưu ý, nếu lập di chúc, hiệu lực di chúc chỉ phát sinh sau khi mẹ bạn mất. Lúc mẹ bạn còn sống thì hoàn toàn có quyền thay đổi di chúc. Nếu mẹ bạn muốn cho vợ bạn, có thể lập hợp đồng tặng cho nhà cho vợ bạn sau đó đi công chứng hợp đồng. Sau khi hợp đồng được công chứng, vợ bạn có thể làm thủ tục sang tên vợ bạn.

+ Thứ hai, những người con riêng của bố bạn và vợ bạn lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, trong đó nêu rõ là tặng cho phân thừa kế của mình cho vợ bạn. Để đảm bảo tính pháp lý, văn bản thỏa thuận này nên được công chứng.

Như vậy, cần lập độc lập hai văn bản trên. Sau khi có được hợp đồng tặng cho của mẹ bạn và văn bản phân chia thừa kế của những người thuộc hàng thừa kế còn lại, vợ bạn có thể làm thủ tục khai nhận di sản và sang tên của mình.

Thủ tục cụ thể, bạn tham khảo theo bài viết chúng tôi đã tư vấn dưới đây:

>> Thủ tục chia thừa kế và đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất.

Trên đây là nội dung tư vấn về: Chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất do bố mẹ để lại. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo