LS Nguyễn Phương Lan

Chia di sản thừa kế khi chuẩn bị nộp đơn ly hôn

Nội dung yêu cầu: Kính gửi: Ông/bà luật sư - Công ty Luật Minh Gia! Lời đầu tiên cho tôi gửi lời cảm ơn sự quan tâm đến nội dung mail của tôi và tư vấn giúp gia đình tôi một việc về trường hợp chia di sản thừa kế của chồng khi chuẩn bị nộp đơn xin ly hôn như sau:

 

Trước khi anh trai tôi mất (đang làm thủ tục ly hôn với chị dâu: do chị này thiếu đạo đức và nhân cách làm vợ, hư hỏng, chơi bời trác táng - nhưng chưa kịp gửi lên tòa án thì anh tôi đột ngột qua đời với nhiều lý do rất khó hiểu).

* Tài sản anh tôi để lại bao gồm:

- 02 mảnh đất (đã có sổ đỏ - mua trước khi lấy chị ta

- 04 mảnh đất mua giấy tờ viết tay (chưa làm sổ đỏ) + sổ tiết kiệm, vàng (tương đương 100 triệu đồng) và một ngôi nhà đang ở (chưa là sổ đỏ)-> tài sản sau hôn nhân.

* Trước thời gian anh tôi mất, anh tôi có gọi điện cho anh em trong gia đình nói về lý do ly hôn và nói nguyện vọng toàn bộ tài sản của anh tôi sau ly hôn sẽ làm thủ tục cho 02 con gái (01 cháu 11 tuổi, 01 cháu 04 tuổi).

* Sau khi anh tôi mất, gia đình tôi nén nỗi đau, có họp lại và ý kiến về nguyện vọng của anh tôi (chia tài sản để giữ cho các cháu - phòng bà chị dâu sau này đi lấy chồng thì tiêu tán hết của cải), nhưng chị dâu tôi không nghe, mà đòi hết tài sản đó để tự quyết định. Theo hàng thừa kế thì sẽ có bố tôi (vì mẹ tôi đã mất từ lâu), vợ anh tôi (chị dâu) và 02 cháu, nguyện vọng của bố tôi được thừa kế thì cũng sẽ làm giấy tờ để tặng lại tài sản cho hai cháu khi các cháu trưởng thành.

Hiện nay gia đình tôi chưa thỏa thuận được và rất bối rối về các nội dung sau:

1. Thời gian tới, nếu có thể thỏa thuận được với chị dâu về tài sản thì:

- 02 miếng đất có sổ đỏ (tên anh tôi) làm những thủ tục gì để chuyển cho hai cháu theo đúng quy định của pháp luật (với điều kiện chị tôi không thể tự ý quyết định sử dụng tài sản của 02 cháu).

- 04 mảnh đất còn lại nếu bố tôi được 1 hoặc 2 mảnh mà muốn tặng lại cho 02 cháu thì phải làm thủ tục gì để khi các cháu trưởng thành sẽ tặng lại.

2. Nếu chị dâu tôi không đồng ý chia tài sản (di sản) thừa kế anh tôi để lại thì gia đình tôi phải làm những thủ tục gì để được giải quyết theo nguyện vọng của anh tôi?

- Tài sản của các cháu tôi, những ai được quyền giám hộ? và làm thế nào để chị dâu tôi không lấy để tự ý bán đi được (bất động sản) phần của các cháu khi các cháu còn đang chưa thành niên?

- 04 mảnh đất và ngôi nhà vợ chồng anh tôi đang sống hiện chưa có sổ đỏ thì phải làm những thủ tục như thế nào (vì đều mang tên anh tôi).

- Nếu bố tôi viết giấy ủy quyền cho tôi thay mặt bố tôi để tham gia giải quyết các vấn đề trên trước cơ quan pháp luật thì có được không, tôi là con gái đã đi lấy chồng (vì bố tôi đã có tuổi, lại ở quê - trong khi đó toàn bộ di sản anh tôi sống trước kia là ở Kontum nên việc đi lại sẽ khó khăn cho ông).

Tôi xin trình bày thêm: anh tôi mất trước đó mấy ngày do cãi nhau với vợ và chị dâu tôi đẩy anh tôi ngã (theo phim chụp thì bị rạn xương sườn), khi mất 02 tay và 02 bàn chân anh tôi có màu sẫm đen khác thường so với cơ thể, trên đầu có vết u, giống như do va chạm hoặc vật cứng đập vào -> khi thay áo thì tôi và chị gái đều phát hiện như vậy. Anh tôi mất đột ngột nên về phía gia đình do quá đau đớn cũng không nghĩ được nhiều lý do nên không biết làm gì hơn.

Rất mong nhận được sự tư vấn, hỗ trợ và phản hồi từ Quý công ty, tôi xin chân thành cảm ơn rất nhiều!

 

=> Luật sư tư vấn pháp luật về Thừa kế, gọi: 1900.6169

 

Trả lời: Cảm ơn chị đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của chị chúng tôi tư vấn như sau:

 

Đầu tiên, về phân chia tài sản khi anh chị mất

 

Theo thông tin chị cung cấp, khi mất anh trai chị có để lại một số tài sản bao gồm 2 ngôi nhà mua trước khi kết hôn (nếu anh chị không có thỏa thuận với vợ về việc gộp tài sản riêng vào tài sản chung) thì đây là tài sản riêng của anh bạn. Đối với 4 mảnh đất mua trong thời kỳ hôn nhân, tiền vàng tương đương với 100 triệu trong thời kỳ hôn nhân đây được xác định là tài sản chung của hai vợ chồng. Khi anh chị mất, 2 mảnh đất là tài sản riêng của anh chị và ½ tài sản đối với phần 4 mảnh đất và 100 triệu sẽ được phân chia theo quy định của pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Bao gồm bố, vợ và các con của người mất.

 

Do đó, việc để lại 2 ngôi nhà có sổ đỏ giành cho 2 cháu của chị thì cần có sự thoả thuận giữa chị dâu chị với bố chị về việc chia thừa kế thì 2 cháu mới được có thể chuyển được cho 2 cháu của chị được.

 

Thứ hai, nếu bố chị nhận được 1 hoặc 2 mảnh trong phần di sản của anh trai chị mà muốn chuyển quyền cho cháu khi cháu trưởng thành thì bố chị có thể làm thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất. Chị có thể tham khảo thủ tục theo link sau: Thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất.

 

Thứ ba, nếu chị dâu của chị không đồng ý chia tài sản thì gia đình nên khởi kiện ra Toà án để phân chia di sản thừa kế của anh trai chị theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên khi đó chỉ phần tài sản mà người ông và các cháu được hưởng sẽ chuyển cho 2 người cháu. Còn phần thừa kế của người vợ, nếu người vợ không đồng ý thì không thể làm thủ tục sang tên toàn bộ 2 mảnh đất cho hai người con được.

 

Điều 136 Bộ luật dân sự 2015 quy định về người đại diện theo pháp luật của cá nhân như sau:

 

“1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

 

2. Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.

 

3. Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

 

4. Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.”

 

Như vậy, với trường hợp này người mẹ sẽ là người đại diện theo pháp luật của con, nếu người mẹ cũng mất hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì mới xem xét đến trường hợp người giám hộ.

 

Khoản 1 Điều 134 Bộ luật dân sự 2015 quy định về đại diện như sau:

“1. Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.”

 

Nếu người mẹ muốn bán được tài sản của con trong trường hợp này cần phải chứng minh được việc bán tài sản là vì phục vụ lợi ích chính đáng của các con.

 

Thứ tư, đối với mảnh đất mà chưa có sổ đỏ thì những người đồng thừa kế có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đồng thừa kế nếu đủ điều kiện về cấp Giấy chứng nhận.

 

Thứ năm, về vấn đề uỷ quyền thì theo quy định tại Bộ luật dân sự có quy định như sau:

 

Điều 562 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hợp đồng ủy quyền như sau:

 

“Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

 

Vậy nên, với trường hợp của chị thì nếu như bố chị muốn uỷ quyền lại cho chị để chị có thể thay mặt bố chị tham gia giải quyết vụ việc trên thì cần có giấy uỷ quyền và có công chứng hoặc chứng thực thì chị mới có thể tham gia giải quyết thay cho bố để giải quyết các vấn đề trên trước pháp luật.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Chia di sản thừa kế khi chuẩn bị nộp đơn ly hôn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV Phương Lan - Công ty Luật Minh Gia

 

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo