Phạm Diệu

Chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc khi chồng ốm đau được giải quyết như thế nào?

Luật sư tư vấn về việc giải quyết những chi phí liên quan đến việc nuôi dưỡng, chăm sóc khi chồng ốm đau. Những chi phí đó có được coi là nghĩa vụ tài sản khi người chồng mất để lại không? Nội dung tư vấn như sau:

 

Chào luật sư tại công ty Luật Minh Gia. Em có một vấn đề về thừa kế tài sản mong được các luật sư tư vấn giúp. Bố và mẹ em ly dị, sau này bố em có tái hôn. Không may bố em bị bệnh hiểm nghèo nên đã mất, ông có để một khoản tài sản riêng của ông (tiền phân chia tài sản chung với mẹ em và tiền bảo hiểm của công an) khoảng 2 tỷ 7. Trong thời gian ông đau và nằm viện thì em và vợ sau của bố có cùng nhau chăm sóc cho bố em. Vì bố em là công an tại chức nên khi nằm viện thì được công an bảo hiểm 100%, vợ của bố chăm sóc thì có mua thêm một thuốc bổ này nọ và chi các khoản linh tinh. Bây giờ khi phân chia phần tài sản này thì vợ sau có đòi 500 triệu tiền thuốc bổ rồi còn 2 tỷ 2 thì chia 3 phần (dì, em và em gái của em). Nhưng em và em gái của em không ý, vì em biết số tiền chỉ khoảng dao động tầm 150 triệu. Em có yêu cầu dì kê khai các khoản gì mà lên đến 500 triệu thì dì không chịu kê các khoản ấy. Các luật sư cho em hỏi, liệu em có thể nhờ tòa phân xử số tiền thuốc bổ mua thêm cho bố em được không. Em cảm ơn các luật sư!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia. Căn cứ vào nội dung yêu cầu tư vấn của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Nghĩa vụ yêu thương, chung thủy, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau của vợ chồng ngoài việc áp dụng theo truyền thống và phong tục, tập quán của người Việt Nam, thì cũng đã được ghi nhận cụ thể hóa trong các quy định của pháp luật về chế độ hôn nhân gia đình. Hiện nay, nghĩa vụ đó được ghi nhận tại Điều 19 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tình nghĩa vợ chồng như sau:

 

Điều 19. Tình nghĩa vợ chồng

 

1. Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.

 

2. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.”.

 

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, khi quan hệ vợ chồng được pháp luật thừa nhận thì vợ, chồng phải có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình. Đối chiếu với trường hợp của gia đình bạn, khi bố bạn ốm đau thì người vợ sau sẽ có nghĩa vụ chăm sóc, trông nom. Do vậy, những chi phí phát sinh trong quá trình chăm sóc thì sẽ không được đưa ra phân chia khi người bố mất.

 

Tại Điều 650 Bộ luật dân sự 2015 quy định về những trường hợp thừa kế theo pháp luật như sau:

 

“Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

 

1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

 

a) Không có di chúc;

 

b) Di chúc không hợp pháp;

 

c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

 

d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

 

2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:

 

a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

 

b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

 

c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.”.

 

Theo quy định trên, nếu bố bạn mất không để lại di chúc thì tài sản của bố bạn sẽ trở thành di sản thừa kế và được chia theo pháp luật cho hàng thừa kế thứ nhất. Tại điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 thì hàng thừa kế thứ nhất bao gồm:

 

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

…”.

 

Căn cứ quy định nêu trên thì hàng thừa kế thứ nhất của bố bạn sẽ bao gồm: ông, bà nội của bạn (nếu còn sống), người vợ sau, bạn và em gái của bạn. Những người thừa kế cùng hàng sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

Để phân chia phần di sản thừa kế của bố bạn thì các đồng thừa kế có thể thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế và thỏa thuận phân chia di sản thừa kế tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã (phường). Trường hợp, có tranh chấp về di sản thừa kế thì một trong các đồng thừa kế có quyền làm đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân quận (huyện) yêu cầu phân chia di sản thừa kế.  

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

Phòng Luật sư tư vấn Dân sự - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo