Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Người con chăm sóc mẹ già thì khi mẹ mất có được hưởng toàn bộ di sản của mẹ không?

Luật sư tư vấn trường hợp các con thỏa thuận cử một người chăm sóc người mẹ già. Sau khi mẹ mất thì tài sản của mẹ sẽ giao lại cho người con đã chăm sóc. Nay xảy ra tranh chấp thì tài sản được chia như thế nào? Nội dung tư vấn cụ thể như sau:

 

Bà nội tôi có 6 người con, 2 con trai gồm bác và ba tôi, còn lại là 4 người cô. Đất đai sau khi chia hết tất cả cho các con thì còn lại phần của bà nội là phần đất nhà ở và 12 công đất. Bà nội đã có tính toán là sau khi mất sẽ để lại toàn phần đất đó cho ba tôi nhưng không bàn giao giấy tờ nhà đất mà chỉ nói miệng. Năm 2013 bà nội bệnh nằm liệt giường không còn tỉnh táo, anh em họp bàn lại có vài người làm chứng cũng quyết định bàn giao lại số tài sản của bà nội cho ba tôi nhưng với điều kiện nhà tôi phải chăm sóc bà nội đến khi mất và chăm lo đám cúng ông bà nôi sau này. Thế là từ năm 2013 đó đến 2017 ba mẹ tôi đã chăm sóc bà nội theo như lời giao kèo. Nhưng tất cả tài sản đều không chuyển giao cho ba tôi mà chỉ giao kèo bằng miệng. Tháng 12/2017 ba tôi đột ngột mất đi không để lại di chúc hay lời nào bác và các cô bắt đầu có dấu hiệu tranh giành tài sản bà nội vì ba tôi đã mất. Họ không nói gì với mẹ nhưng mẹ tôi vẫn ở lại chăm sóc bà nội theo giao ước trước đó. Họ vẫn không chuyển giao giấy tờ đất đai gì. Vậy chuyện ở đây phải giải quyết bằng cách nào?

 

Mẹ tôi sau này khi bà nội mất có được hưởng tất cả tài sản của bà nội để lại theo giao kèo miệng không? Mặc dù biết trên luật pháp mẹ tôi sẽ không nhận được số tài sản đó nhưng mẹ tôi có được nhận lại tất cả công sức chăm sóc bà nội trong 5 năm trời (cộng với cả tiền xây căn nhà mới cho bà nội trước đó) hay không? Ba tôi có 2 người con là chị và tôi. vậy tôi có trách nhiệm như thế nào trong chuyện này không?bà nội hiện nay vẫn chưa mất và mẹ tôi vẫn phải chăm sóc. tôi hiện nay đang du học nước ngoài không thường xuyên về việt nam được.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về việc chia di sản thừa kế

 

Vì bạn không nói rõ tài sản đang tranh chấp là tài sản chung vợ chồng của ông bà bạn hay tài sản riêng của bà bạn nên chúng tôi chưa thể tư vấn cụ thể cho bạn.

 

Việc tất cả các anh, chị, em của bố cùng thỏa thuận bằng miệng sẽ giao tài sản của bà cho bố khi bố mẹ chăm sóc bà sẽ không có giá trị pháp lý.

 

Nếu tài sản bạn nêu trên là tài sản riêng của bà bạn, nếu sau này bà mất không để lại di chúc thì di sản của bà bạn sẽ được chia thừa kế theo pháp luật.

 

Theo đó, điểm a Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

 

“a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”

 

Bên cạnh đó, Điều 652 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

 

“Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”

 

Vậy nên, nếu bà bạn mất thì phần di sản thừa kế mà bà bạn để lại sẽ chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Vì bố bạn chết trước bà nên bạn và chị bạn sẽ được hưởng phần di sản mà bố bạn được hưởng khi bà mất theo quy định tại Điều 652 BLDS 2015.

 

Thứ hai, đối với việc mẹ bạn nuôi bà bạn

 

Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

 

Điều 80. Quyền, nghĩa vụ của con dâu, con rể, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng

 

Trong trường hợp con dâu, con rể sống chung với cha mẹ chồng, cha mẹ vợ thì giữa các bên có các quyền, nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ nhau theo quy định tại các điều 69, 70, 71 và 72 của Luật này.

 

Điều 70. Quyền và nghĩa vụ của con

...

2. Có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.

 

Như vậy, con dâu có bổn phận phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ chồng nên khi bà bạn mất, chi phí chăm sóc bà bạn không được tính vào nghĩa vụ thanh toán khi yêu cầu chia di sản. Tuy nhiên, tại thời điểm này, mẹ bạn có thể yêu cầu tất cả những người con khác cùng có nghĩa vụ chăm sóc bà.

 

Về tiền đóng góp xây căn nhà cho bà: Nếu gia đình mình không có căn cứ chứng mình cho việc đóng góp đó thì không có căn cứ yêu cầu thanh toán phần đó. Tuy nhiên, nếu gia đình bạn muốn yêu cầu thanh toán thì phải có chứng cứ chứng minh thuộc một trong hai trường hợp sau:

 

+ Nếu gia đình bạn chứng minh được tại thời điểm bà xây nhà, bố mẹ bạn cho bà mượn tiền để xây dựng thì sau khi bà mất đi có quyền yêu cầu thanh toán khoản nợ này sau đó tiến hành chia di sản thừa kế.

 

+ Nếu gia đình bạn ở cùng bà tại thời điểm xây nhà và chứng minh được bố mẹ và bà đều cùng nhau góp tiền để xây nhà thì nay có thể yêu cầu chia giá trị căn nhà theo công sức đóng góp. Phần mà bà được hưởng sẽ được chia thừa kế sau khi bà mất cùng với mảnh đất.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV. Đoàn Thị Khánh – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo