Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Cây trồng trên đất giáp ranh thì xử lý như thế nào?

Nhờ các Luật gia giúp em vụ này: Đất vườn nhà ông A và đất vườn nhà ông B giáp nhau một đoạn rào, và hàng rào này nằm trên đất vườn ông A từ rất lâu. Và trong đoạn rào này có một hàng Sưa Trắng đã trên 30 tuổi. ông B cho rằng cây sưa đổ lá sang nhà, nên ông B dùng lửa đốt chết 2 cây nhưng không hề trao đổi gì với nhà ông A. Vậy theo các luật gia, việc làm của ông B có đúng không? nếu ông B vi phạm luật thì phải xử lý theo điều khoản nào? Thank!

 

>> Luật sư giải đáp thắc mắc pháp luật dân sự, gọi 19006169

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về mốc giới ngăn cách các bất động sản tại Điều 176 như sau:


Điều 176. Mốc giới ngăn cách các bất động sản

 

1. Chủ sở hữu bất động sản chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình.

 

2. Các chủ sở hữu bất động sản liền kề có thể thỏa thuận với nhau về việc dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên ranh giới để làm mốc giới ngăn cách giữa các bất động sản; những vật mốc giới này là sở hữu chung của các chủ thể đó.

 

Trường hợp mốc giới ngăn cách chỉ do một bên tạo nên trên ranh giới và được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý thì mốc giới ngăn cách đó là sở hữu chung, chi phí để xây dựng do bên tạo nên chịu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; nếu chủ sở hữu bất động sản liền kề không đồng ý mà có lý do chính đáng thì chủ sở hữu đã dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn phải dỡ bỏ.

 

3. Đối với mốc giới là tường nhà chung, chủ sở hữu bất động sản liền kề không được trổ cửa sổ, lỗ thông khí hoặc đục tường để đặt kết cấu xây dựng, trừ trường hợp được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý.

 

Trường hợp nhà xây riêng biệt nhưng tường sát liền nhau thì chủ sở hữu cũng chỉ được đục tường, đặt kết cấu xây dựng đến giới hạn ngăn cách tường của mình.

 

Đối với cây là mốc giới chung, các bên đều có nghĩa vụ bảo vệ; hoa lợi thu được từ cây được chia đều, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

Như vậy, có thể hiểu hàng cây Sưa là một phần của hàng rào ngăn cách giữa 2 bất động sản của ông A và ông B, do ông A xây dựng trê phần đất của mình nên được cho là phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cây Sưa thuộc quyền sở hữu của ông A lại rụng lá làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất nhà ông B, pháp luật Dân sự có quy định vấn đề này như sau:

 

Điều 604. Bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra

Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.

 

Theo đó, trường hợp cây Sưa nhà ông A rụng lá gây thiệt hại cho ông B thì ông B có thể báo lại với ông A để bồi thường thiệt hại và tìm phương hướng giải quyết vấn đề.

 

Hành vi đốt cây của ông B có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm Hình sự theo các quy định dưới đây:

 

Căn cứ theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 15 – Nghị định 167/2013/NĐ-CP:

 

Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 178 – Bộ luật Hình sự 2015:

 

Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

 

1.107 Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;

 

b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

 

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

 

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

 

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

 

Như vậy, ông A có thể trình báo vụ việc đến cơ quan công an để xử lý với hành vi của ông B và yêu cầu bồi thường xứng đáng.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Cây trồng trên đất giáp ranh thì xử lý như thế nào?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV Đào Quang Vinh - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo