Trần Phương Hà

Cần phải làm gì khi là nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Kính gửi luật sư cho cháu hỏi về nạn bạo lực gia đình như sau. Năm nay cháu 2x tuổi, tình hình ở nhà cháu thường xảy ra chuyện. Bố cháu năm nay 49 tuổi, thường xuyên uống rượu và mượn rượu đánh đập, chửi bới mẹ cháu và họ hàng nhà mẹ cháu. Ông thường xuyên tát, đá vào mặt mẹ cháu, thậm chí dùng điếu cày bổ và chân, tay mẹ cháu. Ông còn vác quạt, vớ bát hoặc chai thủy tinh ném mẹ cháu.

 

Nhiều lần cháu vào can bố thì bố bảo mày đi ra không tao coi mày kẻ thù đâm chết mày. Điển hình tối hôm qua ông uống rượu xong chửi bới đánh đập mẹ dã man bằng đá và điếu cày. Cháu có vào can thì ông đấm và vớ được cái nhíp định đâm cháu. Cháu có báo công an 2 lần nhưng họ chỉ phạt hành chính và về nhà vẫn đâu vào đấy. Cháu chỉ muốn bảo vệ mẹ thôi vây mong Luật Sư tư vấn cho cháu về việc trên để mẹ cháu ko bị ăn đòn oan nữa. Cháu rất cảm ơn luật sư đã đọc mail của cháu và mong luật sư tư vấn nhanh nhất nếu có thể cho cháu ạ.

 

Trả lời:Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Theo thông tin bạn đã cung cấp, bố bạn thường xuyên có hành vi thường xuyên đánh đập, chửi bới mẹ bạn với các hành vi: dùng điếu cày bổ vào chân, tay; vác quạt ném… Như vậy, bố bạn đã có hành vi bạo lực gia đình và trên thực tế đã bị xử phạt hành chính.

 

Tại Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 có quy định:

 

“Điều 42. Xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình

 

1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”

 

Như vậy, hành vi bạo lực gia đình có thể bị xử lí vi phạm hành chính, xử lý kỉ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Điều 185 Bộ luật hình sự 2015 có quy định về Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình như sau:

 

“1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;

 

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

 

a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;

 

b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.”

 

Bố của bạn đã có hành vi ngược đãi và hành hạ mẹ của bạn và đã bị xử phạt hành chính về hành vi này nhưng vẫn vi phạm. Do đó, hành vi này của bố bạn sẽ bị truy cứu theo Điều 185 Bộ luật hình sự với khung hình phạt là cảnh cáo, cải tại không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm tùy theo mức độ nguy hiểm của hành vi gây ra.

 

Như vậy, để bảo vệ quyền lợi cho mẹ bạn, bạn có thể tiến hành thông báo tới cơ quan công an tại nơi gia đình bạn cư trú để cơ quan này can thiệp hoặc gửi đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện để Tòa án tiến hành áp dụng các quy định pháp luật hình sự đối với hành vi ngược đãi, hành hạ của bố bạn đối với mẹ bạn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Cần phải làm gì khi là nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn Tư vấn Luật Dân sự trực tuyến bằng cách Gọi: 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

Luật gia Nguyễn Thương - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo