Nông Bá Khu

Cách lấy lại giấy tờ tùy thân và Thủ tục lập di chúc

Xin chào luật sư! Tôi tên là K. Ông bà nội tôi đồng sở hữu 1 căn nhà. Ông bà có 3 người con. Bố tôi mất năm 2003, ông tôi mất sau năm 2008 không để lại di chúc. Bây giờ nhà còn bà tôi đã già yếu và 2 cô con gái. Bà muốn viết di chúc để lại tài sản là phần đất của bà cho tôi nhưng 1 trong 2 cô không đồng ý.

 

Cô ấy đã lấy toàn bộ giấy tờ của bà bao gồm: Giấy chứng tử của ông tôi và bố tôi, sổ đỏ căn nhà của ông bà tôi, sổ hộ khẩu (do cô đi lấy chồng nên bà tôi đã cắt tên cô trong sổ hộ khẩu), chứng minh thư nhân dân và sổ hưu của bà. Bà tôi đòi lại nhưng cô kiên quyết không trả và có thái độ không đúng mực. Bây giờ bà tôi không còn giấy tờ tùy thân nào cả. Vậy mong luật sư chỉ cho tôi phải làm các bước làm như nào và gặp cơ quan nào để lấy lại giấy tờ cho bà cũng như để bà tôi làm di chúc cho tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn các vị luật sư!

 

Trả lời tư vấn:

 

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia chúng tôi, chúng tôi xin giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

 

Trong trường hợp này, để tránh làm mất đi tình cảm gia đình thì trước hết các thành viên trong gia đình cần nói chuyện, thỏa thuận lại với nhau. Nếu như cô của bạn vẫn kiển quyết không trả lại giấy tờ thì bạn có thể làm đơn trình báo mất giấy tờ tùy thân lên cơ quan công an để được giúp đỡ giải quyết. Bạn có thể tham khảo mẫu đơn trình báo ở bài viết:

 

=> Mẫu đơn trình báo mất giấy tờ tùy thân

 

Về việc lập di chúc: Bộ luật dân sự 2015 có quy định:

 

Điều 609. Quyền thừa kế.

 

“Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

 

Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.”

 

Như vậy, bà của bạn có quyền để lại tài sản thuộc sở hữu của bà cho bạn, cô bạn không có quyền cản trở.  Theo thông tin bạn trình bày, thì phần đất mà bà bạn muốn để lại là tài sản đồng sở hữu của bà và ông bạn. 

 

Trường hợp, sau khi ông bạn qua đời nếu ông không có di chúc để lại liên quan đến phần đất đó để lại thì một nửa của phần đất sẽ được chia theo pháp luật. Do đó bà bạn không thể có toàn quyền chia mảnh đất đó. Theo đó, căn cứ điều 651 Bộ Luật Dân sự 2015, việc chia mảnh đất sẽ được lần lượt chia theo các hàng thừa kế của ông bạn như sau:

 

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

 

Như vậy, một nửa phần đất của ông bạn sẽ được chia đều cho bà, hai cô và bố của bạn. Vì bố bạn qua đời nên bạn sẽ được hưởng phần di sản mà bố bạn được hưởng. Bà bạn không có quyền để lại toàn bộ phần đất đó cho bạn. Bà bạn chỉ có quyền để lại phần đất thuộc sở hữu cả bà cho bạn và cô bạn không có quyền cản trở việc này.

 

Trường hợp, ông bạn mất để lại di chúc phần đất của ông để lại cho bà của bạn thì đương nhiên bà bạn có toàn quyền để lại phần đất đó cho bạn. Việc lập di chúc được quy định tại Bộ luật dân sự 2015 như sau:

 

Việc lập di chúc phải thực hiện tại Cơ quan công chứng hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và tuân thủ các thủ tục sau đây:

 

- Người lập di chúc tuyên bố nội dung di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn ký vào bản di chúc.

 

- Trong trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Công chứng viên, người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng.

 

Người lập di chúc cần phải có những giấy tờ sau:

 

- Chứng minh thư nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác (hộ chiếu, chứng minh sĩ quan, giấy chứng nhận công nhân viên quốc phòng, giấy kiểm tra tạm thời) đang còn trong thời hạn sử dụng, hộ khẩu hoặc giấy xác nhận thường trú của người lập di chúc;

 

- Bản chính giấy tờ hợp lệ chứng minh quyền sở hữu và quyền sử dụng tài sản để lại thừa kế;

 

- Các giấy tờ chứng minh tài sản chung hay tài sản riêng, phù hợp với quy định của Luật hôn nhân & gia đình;

 

- Giấy khám sức khỏe của người lập do chúc (do Bệnh viện hoặc Trung tâm y tế cấp quận/huyện lập).

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Cách lấy lại giấy tờ tùy thân và Thủ tục lập di chúc. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật Dân sự trực tuyến - Số điện thoại: 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV. Hứa Thị Nhàn – CÔNG TY LUẬT MINH GIA

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo