Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Các vấn đề trong hợp đồng vay tài sản

Luật sư tư vấn về trường hợp khi người vay không có tài sản để trả nợ thì xử lý như thế nào? Những người thân thích khác có nghĩa vụ trả nợ thay không? Khi nào thì người vay phải chịu trách nhiệm hình sự khi không trả đủ khoản vay của mình? Cụ thể như sau:

 

Kính  chào Văn phòng luật sư ! Nay tôi mạo muội xin nhờ VPLS tư vấn giúp tôi một việc như sau: Do quen biết nên tôi có cho người bạn là chủ công ty TNHH 1 thành viên vay một số tiền để kinh doanh, số tiền vay tổng cộng là 1 tỷ hai trăm triệu đồng chia làm 3 lần: Lần 1: 200 triệu đồng, lần 2: 800 triệu đồng (tôi chỉ đưa 700 triệu và trừ trước 100 triệu tiền lãi), lần 3: 200 triệu đồng. Tổng cộng: 1tỷ 200 triệu đồng. Người bạn viết cho tôi giấy mượn nợ có chữ ký của cô và chữ ký giả của chồng cùng  2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm tin, 1 tờ của gia đình cô ấy và một của anh chồng. Lãi suất 7% chỉ thỏa thuận miệng không ghi vào giấy nợ. Tiền lãi  cô ấy đem đến nhà  trả cho tôi và có hai lần chuyển vào tài khoản em gái tôi là 210 triệu đồng. Vay tiền được khoảng 10 tháng cô mượn lại tôi 1 bìa đỏ của gia đình và nói là để vay tiền ngân hàng trả bớt cho tôi cho nhẹ lãi vậy rồi khoảng 1 tháng sau cô nhắn tin vào máy cho tôi là làm ăn thua lỗ mất mát hết nên không muốn sống nữa và cô ấy biệt tăm từ ấy. Lo sợ vì mất tiền tôi đến nhà cô bạn, lúc này chồng cô cũng đang chạy ngược xuôi tìm vợ vì vợ đi mua hàng từ sáng đến chiều chưa thấy về.Khi nghe tôi nói chuyện chồng cô mới biết cô vay tiền của tôi mà giấu chồng .Anh ấy nói với tôi do quá bối rối chưa biết thực hư thế nào nên xin tôi về đi rồi anh sẽ tìm cách giải quyết. Ba ngày sau anh đến gặp tôi thương lượng xin mượn lại bìa đỏ anh trai để vay ngân hàng 200 triệu đồng trả trước cho tôi số còn lại xin trả dần vì kinh doanh thua lỗ không còn gì. Tôi không đồng ý vì chồng tôi rất khó tính, Một tuần sau anh đến lại nhưng tôi cũng không đồng ý phương án trên. Thời gian trôi qua khoảng 3 tuần không tìm được cô ấy, chồng tôi mới đồng ý với đề xuất của anh là đưa lại bìa đỏ để anh vay 200 triệu. Một tuần sau nhận được 200 triệu rồi chồng tôi gửi đơn kiện cô ấy lên công an để đòi số còn lại, công an đã đến nhà làm việc với anh ấy nhưng hơn hai tháng rồi vẫn chưa có kết quả gì. Vậy nay tôi xin VPLS cho tôi hỏi:

1- Tôi cho vay lãi suất 7% có gọi là cho vay nặng lãi không?

2- Nếu cô bạn tôi không còn tài sản gì thì pháp luật sẽ giải quyết như thế nào về số nợ của tôi?

3- Cô bạn đã mượn lại 1 tờ bìa đỏ (vật làm tin) sau đó đi mất, vậy tôi có quyền đòi lại tờ bìa này không ?và đòi bằng cách nào cho đúng luật pháp?

4- Nếu cô ấy không về, cô có bị truy nã vì thiếu nợ hay không?

5- Mẹ ruột cô ấy có phải trả nợ thay cho cô không?

Kính thưa VPLS, sự việc xảy ra đã hơn ba tháng rồi mà vẫn chưa có gì tiến triển, rất buồn và lo lắng vì mất số tiền quá lớn nên tôi kính mong VPLS tư vấn và giải đáp giúp tôi. Xin chân thành cảm ơn và rất mong sự hồi đáp của VPLS. Xin kính chào !

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, đối với trường hợp trên chúng tôi tư vấn như sau:
 

Theo Điều 163 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung 2009) có quy định về Tội cho vay nặng lãi như sau:
 

"1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
 

2.  Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 6 tháng đến ba năm.
 

3.  Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một đến năm lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."

 

Như vậy, việc cho vay nặng lãi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn hai dấu hiệu sau đây:

 

- Thứ nhất: Lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên. Theo quy định của khoản 1 Điều 468 Bộ Luật Dân sự 2015 (BLDS) về lãi suất  do các bên thỏa thuận thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

 

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

 

- Thứ hai: Có tính chất chuyên bóc lột được hiểu là người phạm tội lợi dụng việc cho vay, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn cấp bách của người đi vay để cho vay với lãi suất cao (lãi nặng) nhằm thu lợi bất chính mà thực chất là bóc lột người đi vay. Tính chất chuyên bóc lột của hành vi cho vay lãi nặng thể hiện ở chỗ: người phạm tội thực hiện hành vi cho vay lãi nặng nhiều lần, hành vi mang tính chuyên nghiệp, người phạm tội lấy việc cho vay lãi nặng làm một nghề kiếm sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

 

Trong trường hợp này, lãi suất 7%/năm không vượt quá 20% thì đây là mức lãi suất trong giới hạn cho phép.

 

Theo quy định tại khoản 5 Điều 466 BLDS 2015

 

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

 

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

 

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

Như vậy, người vay sẽ phải trả thêm lãi suất cho bạn theo quy định trên. Khi bên vay không có khả năng thanh toán nợ thì bên vay có quyền gửi đơn khởi kiện về việc đòi lại tài sản đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú để được giải quyết. Nếu người vay không còn tài sản riêng thì sẽ phải chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân để thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định tại Điều 38 Luật Hôn nhân gia đình 2014. Tuy nhiên, đối với trường hợp này, khi bên vay không có bất kỳ một tài sản nào để có thể thanh toán khoản nợ vay thì bên cho vay sẽ phải chịu rủi ro trong trường hợp này.

 

Về vấn đề bạn có quyền đòi lại một bìa đỏ hay không? Bìa đỏ là tài sản của gia đình người vay, đó là tài sản chung của vợ chồng, bìa đỏ còn lại là tài sản riêng của người chồng. Bên cạnh đó đây lại là nghĩa vụ trả nợ của riêng người vay nên bạn không có quyền đòi lại một sổ đỏ.

 

Trường hợp có đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) thì bên vay sẽ bị áp dụng biện pháp chế tài như sau:

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”

“Tội phạm” theo Bộ luật hình sự năm 1999 được hiểu như sau: (Điều 8 Bộ luật hình sự năm 1999)

“1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.

2. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

4. Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.”

Người vay có phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không sẽ do cơ quan điều tra xác minh làm rõ có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không. Từ đó sẽ quyết định việc người vay có bị truy nã hay không.

 

Theo quy định tại Điều 466, Bộ luật dân sự năm 2015

Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

 

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

 

Như vậy nghĩa vụ trả nợ là của bên vay, mẹ ruột của bên vay không có nghĩa vụ trả nợ thay.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV tư vấn: Nguyễn Khánh Phượng - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo