LS Vũ Thảo

Bồi thường thiệt trong tai nạn giao thông đường thủy.

Tàu đánh cá gây tai nạn và bỏ đi không giúp đỡ người gặp nạn. Gia đình gặp nạn bị thiệt hại về tài sản và muốn được bồi thường thiệt hại. Hỏi cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết?

 

thưa luật sư! tôi xin nhờ LS tư vấn giúp tôi và gia đình về vấn đề như sau: gia đình chúng tôi hành nghề đóng đáy hàng khơi. vào lúc 04h ngày 05/9/2017, trong lúc các người làm ( bạn chòi) của chúng tôi đang ngủ trên chòi để canh nước, thì bị một tàu đánh cá ( chủ phương tiện cũng là người tại địa chỉ trên) đụng phải ( ngư cụ của chúng tôi có đủ đèn tín hiệu báo theo đúng qui định, hậu quả là toàn bộ ngư cụ của chúng tôi đều bị chìm xuống biển và điều quan trong hơn, các bạn chòi của chúng tôi ( 02 người) bị hất văng xuống biển, mọi người đã kêu cứu ( vì ở đó không còn ai ngoài chiếc tàu đó) nhưng họ vẫn quay đầu tàu bỏ đi..bỏ mặc cho người bị nạn kêu cứu..cũng may mắn là họ đã vơi được 1 nắp của thùng sốp..và bơi đi... Vấn đề tôi xin LS giúp đở đó là, chúng tôi có thể yêu cầu chủ phương tiện bồi thường toàn bộ chi phí hư hao tài sản ( ngư cụ), tổn thất thu nhập ( của gia đình tôi) và tổn thất về tinh thần đối với những bị rơi xuống biển hay không? và cơ quan nào chúng tôi có thể nhờ họ giải quyết...Kính mong LS chỉ dẫn, xin chân thành cảm ơn. ( và cũng xin nói thêm là trong vòng 1 tháng nay chúng tôi đã bị gây tai nan 2 lần rồi..nhưng không bắt được người gây tai nạn, lần này thì biết được phương tiện và chủ của phương tiện đó)

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Trong trường hợp này bạn cần xác định rõ thiệt hại đã xảy ra. Cũng cần xác định tại thời điểm tai nạn xảy ra, đèn tín hiệu và các phương tiện để cảnh báo có đang hoạt động hay không, ánh sáng có đủ để cảnh báo các phương tiện lưu thông hay không. Nếu đáp ứng đủ quy định về đèn báo tín hiệu thì có thể xem xét đến khả năng tàu đáng cá đã vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường thủy. Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy là hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông trong khi chỉ huy hoặc điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác.

 

Nếu xác định được thiệt hại nghiêm trọng xảy ra thì tàu đánh cá vi phạm điểm khoản 2 điều 212 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009.

 

Trường hợp tàu đánh cá nhìn thấy tín hiệu đèn cảnh báo của chòi canh nước nhưng vẫn đâm vào có thể xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản là ngụ cư và có thể gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến tính mạng của những người canh chòi thì vi phạm khoản 4 Điều 212 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009.

 

Theo quy định tại Điều 212 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009:

 

Điều 212. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ

 

“1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường thuỷ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

 

a) Không có giấy phép, bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn tương ứng với nhiệm vụ được giao;

 

b) Trong tình trạng dùng rượu, bia quá nồng độ quy định hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;

 

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

 

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người chỉ huy hoặc người có thẩm quyền điều khiển, giữ gìn trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ;

 

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

 

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.

 

4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

 

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

 

Tuy nhiên việc xác định khả năng có thể gây ra thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng trong trường hợp này rất khó xác định do trên chòi canh nước cũng như các ngư cụ có các thiết bị để đảm bảo an toàn cho bạn chòi như phao, can nhựa lớn…do vậy cần có căn cứ cụ thể để xác định thiệt hại đó hoàn toàn có thể xảy ra trên thực tế.

 

Bạn có thể tin báo về tai nạn cho Cảnh sát giao thông đường thủy và cần cung cấp đầy đủ các thông tin về vụ tại nạn như: thời gian, địa điểm xảy ra tai nạn; tên hiệu, biển số tàu đánh cá đã gây ra tai nạn; thiệt hại, hậu quả đã xảy ra…

 

Do biết được tàu nào đã gây tai nạn nên có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại do tàu đánh cá gây ra theo quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng:

 

“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

 

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

 

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”

 

Trong tình huống này, nếu như bên có lỗi là do gia đình bạn hoặc do các bạn chòi của bạn đã không tuân thủ đúng các quy định về đèn báo tín hiệu dẫn đến tàu đánh cá không nhìn thấy chòi canh và xảy ra tai nạn thì tàu đánh cá không phải bồi thường thiệt hại.

 

Trong trường hợp bạn đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về đèn báo tín hiệu mà tàu đánh cá vẫn gây ra tai nạn thì bạn có thể yêu cầu tàu đánh cá bồi thường thiệt hại trên cơ sở những tổn thất về tài sản và tinh thần mà gia đình bạn và những bạn chòi bị xâm hại.

 

Mức bồi thường thiệt hại hai bên có thể thỏa thuận. Trong trường hợp không thể thỏa thuận được có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Hoàng Thị Lịch - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo