Luật sư Vũ Đức Thịnh

Bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi

Luật sư tư vấn miễn phí trường hợp bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi và yêu cầu cấp dưỡng đối với người chưa thành niên như sau:

 

Xin chào Luật sư! Em năm nay 28 tuổi, em ở tỉnh X. Em có một vài vấn đề cần các anh chị tư vấn giúp. Em mong các anh chị giúp em nhé.

Tháng 8/2014 A bị tai nạn giao thông chết ( Tầm 23h Ô tô đang đậu A tông vào phía sau ). Ô tô đậu ở phần đường không được phép đỗ,  không có rào trước và sau xe, nhiều người nói là không bật đèn xin nhan nhưng trong giấy tờ lại ghi là có. Sau khi mai táng xong được vài ngày, chủ xe ô tô có đến và đưa cho gia đình A số tiền 46 triệu nói là hỗ trợ và có làm một tờ giấy em đã ký vào đấy. Mọi thủ tục pháp lý đã xong chủ xe đã lấy xe ra.

Thời điểm A mất gia đình A có một bé gái 5 tuổi và vợ A đang mang bầu được 8 tháng giờ bé đã sinh được 7 tháng. Bố mẹ A đã ngoài 60 tuổi, A là con một, từ trước cho đến giờ em thì ở nhà không có công ăn việc làm gì cả.

Giờ vợ muốn yêu cầu chủ xe phải chu cấp cho 2 con A vì bé dưới 18 tuổi và bố mẹ A đã quá 60 tuổi ngoài tuổi lao động (bố mẹ A làm ruộng). Em muốn hỏi các anh chị giờ vợ A đòi hỏi như vậy có được không ạ. Thời điểm nhà xe đến nói chuyện thì gia đình A chẳng có đầu óc đâu cả toàn nhờ người nhà giúp hết. Giờ đây khi tìm hiểu ra em thấy gia đình A thiệt thòi nhiều quá.

 

Em nhờ anh chị tư vấn giúp em với. Em cảm ơn anh chị nhiều

 

Bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi

Luật sư tư vấn trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi sảy ra tai nạn giao thông?

 

Trả lời tư vấn: Rất cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất: về trách nhiệm bồi thường thiệt hại

 

Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2005 (thời điểm xảy ra tai nạn là năm 2013) thì phương tiện vận tải cơ giới (trong đó có ô tô) là một trong các nguồn nguy hiểm cao độ. Và chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, trừ các trường hợp được quy định: Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Trong trường hợp của bạn, chủ sở hữu xe ô tô đã có hành vi trái pháp luật là đỗ ô tô ở phần đường không được phép đỗ, không có rào trước và sau xe; có lỗi đối với hành vi vi phạm pháp luật của mình; từ đó gây thiệt hại tính mạng A.

Như vậy, theo quy định tại điều 623 và tiểu mục I.1 Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì chủ xe ô tô có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật của mình gây ra.

Thứ hai: về xác định thiệt hại

Thiệt hại phải được bồi thường đầy đủ và kịp thời. Theo quy định tại khoản 1 điều 610 Bộ luật dân sự 2005, trong trường hợp tính mạng bị xâm phạm thì thiệt hại bao gồm:

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;

- Chi phí hợp lý cho việc mai táng. Các chi phí hợp lý cho việc mai táng được liệt kê tại tiểu mục 2.2.II  Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP.

- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng với thời hạn được quy định tại khoản 2 điều 612 Bộ luật dân sự. Các đối tượng được bồi thường tiền cấp dưỡng được quy định cụ thể tại tiểu mục 2.3.II Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP. Như vậy, trong trường hợp của bạn, chủ sở hữu xe ô tô phải có trách nhiệm cấp dưỡng đối với bé gái 5 tuổi và bé mà chị đang mang bầu khi chồng bạn mất; cấp dưỡng đối với bạn trong trường hợp bạn không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và được chồng đang thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng; cấp dưỡng đối với cha, mẹ chồng bạn trong trường hợp cha, mẹ là người không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình mà con là người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

- Tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Khoản tiền được bồi thường được quy định cụ thể tại tiểu mục 2.4.II Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP.

Thứ ba: về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại

Theo quy định tại điều 607 Bộ luật dân sự 2005 thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm.

Trong trường hợp của bạn, tai nạn, thiệt hại xảy ra vào tháng 8/2014. Như vậy tới nay (tháng 7/2015) bạn vẫn có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Thứ tư: về thỏa thuận bồi thường thiệt hại

Các bên có quyền thỏa thuận mức bồi thường thiệt hại. Hay đây còn được gọi là giao dịch dân sự. Theo quy định tại điều 122 Bộ luật dân sự thì giao dịch dân sự có hiệu lực khi:

- Người tham gia giao dịch dân sự có năng lực hành vi dân sự;

- Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;

- Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.

 

Theo như thông tin bạn cung cấp, vợ (gia đình A) đã ký văn bản mà chủ sở hữu xe yêu cầu khi “hỗ trợ” 48 triệu. Tuy nhiên bạn không nói rõ nội dung của văn bản này là gì. Đây có phải là hợp đồng thỏa thuận bồi thường thiệt hại hay không? Nếu nội dung văn bản chỉ rõ 48 triệu chủ sở hữu giao cho gia đình bạn chỉ là tiền hỗ trợ thì vợ A có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại với các mục như trên chúng tôi đã cung cấp. Nếu đây là hợp đồng thỏa thuận bồi thường thiệt hại: trường hợp trong văn bản không có điều khoản quy định vợ A sẽ không yêu cầu thêm bất cứ khoản bồi thường nào khác thì vợ A vẫn có thể yêu cầu chủ sở hữu xe bồi thường các khoản thiệt hại còn thiếu sót.

Bên cạnh đó, theo thông tin bạn cung cấp, tại thời điểm vợ A  ký kết văn bản, vợ A  “chẳng có đầu óc đâu cả toàn nhờ người nhà giúp hết”. Bạn cần làm rõ tại thời điểm đó, vợ A  có thật sự tỉnh táo, làm chủ được hành vi của mình hay không. Mức độ không tỉnh táo như thế nào? Nếu vợ A  không làm chủ được hành vi của mình thì thỏa thuận mà vợ A  đã ký không thỏa mãn điều kiện về ý chí được quy định tại điều 122 Bộ luật dân sự nói trên. Từ đó bạn có thể yêu cầu tòa án tuyên bố nội dung văn bản thỏa thuận này là vô hiệu, và yêu cầu chủ sở hữu xe thực hiện đầy đủ trách nhiệm bồi thường thiệt hại của mình.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn luật Thừa kế trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
Luật gia: Kim Ngân - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo