Hoàng Tuấn Anh

Bồi thường thiệt hại do gây tai nạn giao thông

Hỏi: Luật sư cho hỏi quy định về bồi thường thiệt hại do gây tai nạn giao thông như sau: Em trai em chưa đủ 18 tuổi khi không ai ở nhà đã tự ý điều khiển xe mô tô đi chơi , trên đường đi từ nhà ra đường cách nhà khoảng 500 mét. Khi đi đi với tốc độ bình thường và đúng làn đường.

 

Nhìn từ xa của em thấy 3 em bé đang chơi ở gần đường mà không có người lớn nào đi kèm, đi đến gần bất ngờ có một em bé trai lao ra đường , em trai em đã tránh nhưng không kịp, va vào em bé 4 tuổi và làm cho em bé đấy phải nhập viện, em trai cũng đi cùng gia đình đưa cháu bé đi viện, và khi cơ quan giao thông tới làm việc, không có ai nên em đã nhận tội.  Ngay lúc ở viện gia đình em cũng đã thăm hỏi cháu bé số tiền 6tr500. Gia đình cháu bé đã nhận . Đi bệnh viện bác sỹ có nói là em bé đó bị chấn thương sọ não . Em bé nhập viện mất 7 ngày để điều trị và hiện tại em bé đấy đã ra viện . Tinh thần tỉnh táo nói chuyện, ăn uống bình thường. Gia đình em cũng thăm hỏi bồi dưỡng thêm số tiền 3 triệu đồng . Nhưng gia đình của cháu bé không đồng ý, mặc dù gia đình em nói là sẽ chi trả tiền chi phí chữa trị bồi dưỡng cho cháu bé nhưng gia đình không đồng ý và đòi kiện em trai của em và em. Theo luật sư giờ em và gia đình nên làm thế nào và nếu có bồi thường thì gia đình em nên đưa cho cháu bé là bao nhiêu. Em cảm ơn luật sư ạ!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Nếu gia đình bé trai khởi kiện em trai bạn tại tòa án, thì em trai bạn sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự. Trách nhiệm dân sự chính là trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ được phân tích dưới đây.

 

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, Điều 584 Bộ luật dân sự quy định:

 

Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

 

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

 

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

 

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.

 

Tuy nhiên, Điều 363 Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi như sau:

 

Điều 363. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên bị vi phạm có lỗi

Trường hợp vi phạm nghĩa vụ và có thiệt hại là do một phần lỗi của bên bị vi phạm thì bên vi phạm chỉ phải bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình.

 

Dựa trên thông tin bạn đưa ra, trước hết em bạn có lỗi vì điều khiển phương tiện giao thông cơ giới khi chưa đủ tuổi. Tuy nhiên, sự việc không hoàn toàn do lỗi của em trai bạn mà cũng do bé trai bất ngờ lao ra đường khi em trai bạn tới gần, khiến em trai bạn không tránh kịp, dẫn đến bé bị tai nạn. Cơ quan điều tra sẽ xác định mức độ lỗi để từ đó xác định phần bồi thường thiệt hại tương ứng. Trong trường hợp gia đình bé trai khởi kiện em trai bạn ra tòa dân sự, kết quả của cơ quan điều tra có thể sẽ được sử dụng làm căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại.

          

 Về mức bồi thường, Điều 590 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau về mức bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm  

 

Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

 

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

 

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

 

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

 

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

 

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

 

Áp dụng vào trường hợp của em trai bạn, các khoản bồi thường sẽ là: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của bé trai; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc bé trai bị tai nạn trong thời gian điều trị; khoản bù đắp về tinh thần.

 

Mức bồi thường như đã nói sẽ còn căn cứ vào mức độ lỗi của người gây thiệt hại và người bị thiệt hại để tính toán con số chính xác. Mức bồi thường ứng với các khoản cụ thể nêu trên là mức bồi thường tối đa em trai bạn phải trả.  Tuy nhiên, hai bên hoàn toàn có thể thỏa thuận việc bồi thường toàn bộ các khoản, tổn thất. Trong trường hợp thỏa thuận thành công, em trai bạn chỉ phải bồi thường theo mức hai bên đã thỏa thuận. Do đó, em trai bạn có thể tiến hành thỏa thuận với gia đình bé trai, tránh thời gian, công sức và chi phí theo kiện tại Tòa án.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Bồi thường thiệt hại do gây tai nạn giao thông. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV. Chu Hoàng Hải - Công ty luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo