Đinh Thị Minh Nguyệt

Bố tặng cho quyền sử dụng đất cho các cô có cần sự đồng ý của mẹ và các con không?

Cha tôi hiện đứng tên bằng phán 8500m vuông nhà và đất vườn. Cha và mẹ tôi sống từ trước đến giờ nay đã 66 tuổi. Nhưng sau khi mẹ tôi bị tại nạn xe phải mổ bắt Inox nằm một chỗ 2 năm, năm nay bà lại bị tai biến nằm liệt cả một tay và một chân.

 

Ba tôi lại nghe lời 2 cô ruột của tôi bỏ mẹ con tôi ra cất nhà riêng ở một mình vì sợ cực nhọc nếu sống chung, phải lo lắng cho mẹ tôi. Khi chúng tôi đang nuôi mẹ thì các cô ruột cất nhà riêng cho cha tôi. Chúng tôi hay biết sự việc nên đã ngăn cản, vì ba tôi bị bệnh tai biến giai đoạn hai đã khỏi - sợ bị tái phát. Nhưng ba tôi không nghe mà ngược lại nghe theo lời của các cô tôi ra ngoài rêu rao, nói xấu chúng tôi hắt hủi ông. Khi ở chung nhà chúng tôi lo ông rất chu đáo và tươm tất. Hiện tại cha và mẹ tôi có 5 người con: 3 trai và 2 con gái. Hai anh trai và chị gái đã có gia đình và mỗi người đều có 2 con, riêng tôi và em gái chưa có gia đình ở chung với mẹ. Cha tôi bảo sẽ sang nhượng toàn bộ tài sản cho cô ruột và cháu (con của 2 người cô) mà không để lại cho vợ và con ruột của ông ấy.

 

Vậy Luật sư cho hỏi:

 

+ Cô ruột tôi và con của các bà ấy có được hưởng tài sản mà ba tôi để lại không? Nếu không có sự đồng ý của mẹ và anh em của tôi.

 

+ Tài sản này nếu mẹ và các anh em tôi được hưởng thì sẽ hưởng như thế nào?

 

+ Nếu ba tôi muốn biếu, tặng cho hay bán đơn phương, một mình ông ấy có được không?

 

+ Nếu ông ấy đơn phương tự xin ly dị, mẹ tôi không đồng ý thì ông ấy được hưởng toàn bộ tài sản không? Rất mong sự giải đáp thắc mắc của Luật sư tôi thành thật biết ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về việc tặng cho tài sản

 

Thông tin bạn cung cấp  không trình bày 8500 m2 đất là thuộc sở hữu của bố bạn, của chung bố mẹ bạn hay được cấp cho hộ gia đình nên chúng tôi sẽ chia ra các trường hợp để bạn áp dụng vào trường hợp của mình:

 

Trường hợp 1: Nếu trong giấy CNQSDĐ ghi chủ sở hữu là: ông/bà sẽ chia làm 2 trường hợp :

 

+ Quyền sử dụng đất đó có trước thời kỳ hôn nhân hoặc trong thời kỳ hôn nhân nhưng được tặng cho, thừa kế riêng ( trong trường hợp sau khi kết hôn bố bạn không nhập vào tài sản chung của vợ chồng ): thì quyền sử dụng đất là tài sản riêng của bố bạn. Bố bạn có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt quyền sử dụng đất đó mà không cần hỏi ý kiến của mẹ bạn và các con.

 

+ Quyền sử dụng đất đó có trong thời kỳ hôn nhân: thì quyền sử dụng đất là tài sản chung của bố mẹ bạn theo điều 33 Luật hôn nhân gia đình 2014:

 

"1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.".

 

Như vậy, khi bố bạn tặng cho đất cho các cô và cháu thì phải được sự đồng ý của mẹ bạn, nếu không có sự đồng ý của mẹ mà vẫn tặng cho thì mẹ bạn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu theo điều 123 Bộ luật dân sự 2015 do nội dung giao dịch trái với quy định của pháp luật.

 

Trường hợp 2: Nếu trong giấy CNQSDĐ ghi chủ sở hữu là hộ gia đình ông/bà thì khi bố bạn thực hiện tặng cho quyền sử dụng đất cho các cô cần phải được sự đồng ý của cả gia đình bạn (bao gồm mẹ bạn và cả các anh chị em trong gia đình), tất cả đều phải ký vào văn bản và công chứng tại phòng công chứng.

 

Căn cứ theo quy định tại điều 212 BLDS năm 2015 về định đoạt tài sản chung có quy định. Cụ thể:

 

"Điều 212. Sở hữu chung của các thành viên gia đình

 

1. Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

 

2. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác."

 

Nếu không thuộc sở hữu của mình mà bố bạn tặng cho người khác mà không được sự đồng ý thì mẹ bạn và những người có tên trong Sổ hộ khẩu tại thời điểm được cấp đất có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu và thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu từ đó các bên trao trả cho nhau những gì đã nhận, khôi phục tình trạng ban đầu.

 

Thứ hai, về chia tài sản khi ly hôn

 

Khi ly hôn bố mẹ bạn có thể tự thỏa thuận về tài sản và các khoản nợ chung, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết. Về nguyên tắc, tài sản riêng của ai thì thuộc về người đó, tài sản chung sẽ chia đôi nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Bố tặng cho quyền sử dụng đất cho các cô có cần sự đồng ý của mẹ và các con không?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV. Thúy Ngần - Công ty Luật Minh Gia.

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo