Hoàng Thị Kim Lý

Bịa đặt thông tin về người khác

Mẹ tôi bị người khác nói có quan hệ tình cảm với 1 người có gia đình, nhưng thực chất là không có. Vì người vu oan trong lúc đi làm đã có những lời nói không tốt nên bị người quản lý (người được cho là có quan hệ tình cảm với mẹ tôi) cho nghỉ việc. Người vợ này nghe lời xàm bậy về nói với con trai của cô ấy và con trai cô ấy gọi điện và mắng chửi hâm dọa đánh mẹ tôi.

 

Xin chào luật sư, tôi có một vấn đề mong quý luật sư giải đáo giúp ạ! Mẹ tôi bị người khác nói có quan hệ tình cảm với 1 người có gia đình.nhưng thực chất là không có. Vì người vu oan trong lúc đi làm đã có những lời nói không tốt nên bị người quản lý( người được cho là có quan hệ tình cảm với mẹ tôi) cho nghĩ việc. Sau đó cô ấy thù ghét mẹ tôi và đi rêu rao rằng mẹ tôi có quan hệ với quản lý. Sau đó vợ của quản lý có sợ ba tôi hiểu lầm nên cũng đến nhà an ủi rằng không nên tin lời người khác. Gia đình tôi vac gia đình quản lý có quan hệ lối xóm lâu năm. Nhưng mới đây người bị đuổi việc vô tình gặp và nói những lời không tốt với vợ của quản lý.nói rằng mẹ tôi có quan hệ với chồng của cô ấy (vợ quản ly). Người vợ này nghe lời xàm bậy về nói với con trai của cô ấy và con trai cô ấy gọi điện và mắng chửi hâm dọa đánh mẹ tôi. Cả cô ấy cũng hâm dọa mẹ tôi. Cô ấy gọi điện cho ba tôi nói những lời không hay về mẹ tôi khiênz ba tôi tức giận. Mỗi lần đi nhậu về là đánh đập mẹ tôi.. hiện tại tôi rất lo lắng cho mẹ và em trai đang tuổi lớn của mình. Cô ấy còn rêu rao khắp nơi. Tôi rất muốn khởi kiện nhưng không có bằng chứng cụ thể. Mong quý luật sư cho tôi biết tôi nên làm sao và hình phạt như thế nào cho những người có hành vi xúc phạm trên. Hiện gia đình tôi rất khổ sở và không hạnh phúc có nguy cơ đỗ vỡ vì những người trên.mong quý luật sư giúp đỡ. 

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh gia chúng tôi, vấn đề bạn đưa ra chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

 

Căn cứ Ðiều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định:

 

"Điều 34. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín

 

1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

 

2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

 

Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

 

3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

 

4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.

 

5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại."

 

Theo thông tin bạn cung cấp, mẹ bạn đang bị xâm phạm về danh dự, nhân phẩm nên gia đình bạn đương nhiên có quyền làm đơn gửi đến cơ quan có thẩm quyền (cơ quan công an, tòa án nhân dân …) để được giải quyết. Gia đình bạn có quyền yêu cầu gia đình người quản lý (nhà hàng xóm) phải bồi thường thiệt hại do mẹ bạn bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm.

 

Căn cứ Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định

 

"Điều 592. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

 

1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

 

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

 

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

 

c) Thiệt hại khác do luật quy định.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định."

 

Ngoài ra, hành vi của người hàng xóm và người đã bị quản lý đuổi việc đối với mẹ bạn còn có thể cấu thành Tội vu khống quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018):

 

"Điều 156. Tội vu khống

 

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

 

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

 

b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

..."

Vậy, bạn phải xem xét thật kỹ trước khi đưa hành vi của hàng xóm nhà bạn và người bị quản lý đuổi việc ra trước pháp luật, cần đầy đủ chứng cứ, cần sự xác minh chính xác về hành vi.  

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Nguyễn Thị Hằng Nga - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo