Vũ Thanh Thủy

Bị trục xuất có được nhập cảnh lại Việt Nam không?

Luật sư Công ty Luật Minh Gia tư vấn về trường hợp nhập cảnh lại Việt Nam khi đã có hành vi dùng tên người khác để nhập cảnh vào Việt Nam và bị trục xuất. Nội dung tư vấn:

 

Kính chào luật sư . Tôi có một việc này muốn xin luật sư tư vấn và giúp đỡ. Tôi hiện tại sinh sống ở nước ngoài , trước khi rời Việt Nam (VN) tôi lấy tên người khác, hiện tại tôi bị trục xuất, tôi muốn hỏi trong trường hợp của tôi (dùng tên người khác để nhập cảnh vào VN) khi bị phát hiện ra là giấy tờ giả mạo họ có cấm tôi nhập cảnh vào VN không? 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ theo điểm d khoản 3 Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về việc xử phạt đối với vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại, cụ thể:

 

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

 

a) Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định;

 

b) Trốn hoặc tổ chức, giúp đỡ người khác trốn vào các phương tiện nhập cảnh, xuất cảnh nhằm mục đích vào Việt Nam hoặc ra nước ngoài;

 

c) Cho người khác sử dụng hộ chiếu, giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật;

 

d) Sử dụng hộ chiếu hoặc các giấy tờ khác có giá trị thay hộ chiếu của người khác để nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh;

…”

 

Do đó, trường hợp bạn dùng tên của người khác để nhập cảnh vào Việt Nam đã vi phạm quy định trên, theo đó, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi thì có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Nếu bạn đã bị xử phạt hành chính về hành vi trên mà tiếp tục vi phạm sẽ có thể bị truy cứu TNHS theo Điều 347 Bộ luật hình sự 2015.

 

Bên cạnh đó, tại khoản 9 Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định: “Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4, 5 và Khoản 6 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”. Theo quy định này, tùy theo mức độ vi phạm của bạn thì phía cơ quan có thẩm quyền có quyền áp dụng biện pháp trục xuất ra khỏi Việt Nam.

 

Ngoài ra, về vấn đề cấm nhập cảnh vào Việt Nam thì căn cứ theo Điều 21 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 quy định về các trường hợp chưa cho nhập cảnh vào Việt Nam, theo đó:

 

“1. Không đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật này.

 

2. Trẻ em dưới 14 tuổi không có cha, mẹ, người giám hộ hoặc người được ủy quyền đi cùng.

 

3. Giả mạo giấy tờ, khai sai sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú.

 

4. Người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.

 

5. Bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 03 năm kể từ ngày quyết định trục xuất có hiệu lực.

 

6. Bị buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam chưa quá 06 tháng kể từ ngày quyết định buộc xuất cảnh có hiệu lực.

 

…..”

 

Như vậy, nếu thời gian bạn bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá  3 năm kể từ ngày quyết định trục xuất có hiệu lực thì bạn không đươc phép nhập cảnh vào Việt Nam.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

P.luật sư tư vấn về dân sự – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo