Cao Thị Hiền

Bị tạm giữ phương tiện do vi phạm luật giao thông đường bộ

Vi phạm luật giao thông đường bộ là hành vi trái pháp luật, có lỗi của chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý xâm hại tới trật tự an toàn giao thông và các nội dung khác thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật giao thông. Khi cá nhân, tổ chức vi phạm luật giao thông thì sẽ phải chịu các chế tài được quy định trong Luật giao thông đường bộ cũng như các văn bản pháp luật hướng dẫn có liên quan. Ngoài ra, chủ thể vi phạm luật giao thông còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả. Theo đó, một số vi phạm bị áp dụng xử phạt hành chính, chủ thể vi phạm còn bị tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm. Đây là một trong các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính được quy định cụ thể tại Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bổ sung 2020. Vậy tạm giữ phương tiện là gì? Khi nào thì chủ thể vi phạm luật giao thông đường bộ bị tạm giữ phương tiện và cách thức để lấy lại phương tiện? Để giải đáp những thắc mắc này, Luật Minh Gia sẽ cung cấp những kiến thức liên quan trong bài viết dưới đây.

1. Khi nào bị tạm giữ phương tiện do vi phạm luật giao thông đường bộ

Việc tạm giữ phương tiện do vi phạm luật giao thông đường bộ được áp dụng trong các trường hợp thật cần thiết tại Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020 như sau:

- Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Trường hợp tạm giữ để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt;

- Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;

-  Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.

Việc tạm giữ phương tiện phải được chấm dứt ngay sau khi xác minh được tình tiết làm căn cứ quyết định xử phạt, hành vi vi phạm không còn gây nguy hiểm cho xã hội hoặc quyết định xử phạt được thi hành. Trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần, sau khi nộp tiền phạt lần đầu thì người vi phạm được nhận lại phương tiện bị tạm giữ.

2. Thẩm quyền tạm giữ phương tiện do vi phạm luật giao thông đường bộ

Theo Khoản 3 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi bổ sung 2020 thì: “người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quy định tại Chương II Phần thứ hai của Luật này thì có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Thẩm quyền tạm giữ không phụ thuộc vào giá trị của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Theo đó, Chương II Phần thứ 2 của Luật Xử lý vi phạm hành chính mà cụ thể hơn là tại Điều 38 và Điều 39 thì thẩm quyền được tạm giữ phương tiện được quy định như sau:

- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã được tạm giữ phương tiện có giá trị không vượt quá 5.000.000 đồng;

- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện được tạm giữ phương tiện có giá trị không vượt quá 50.000.000 đồng;

- Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông đường bộ được tạm giữ phương tiện có giá trị không vượt quá 25.000.000 đồng;

- Giám đốc Công an cấp tỉnh được tạm giữ phương tiện có giá trị không vượt quá 50.000.000 đồng.

Như vậy, tùy thuộc vào giá trị của phương tiện và tính chất vụ việc mà thẩm quyền tạm giữ phương tiện sẽ được trao cho từng đối tượng khác nhau thực hiện. Người ra quyết định tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính có trách nhiệm bảo quản phương tiện đó.

3. Thời hạn tạm giữ phương tiện do vi phạm luật giao thông đường bộ

Theo khoản 8 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 và sửa đổi bổ sung tại điểm b Khoản 64 Điều 1 Luật xử lý vi phạm hành chính 2020 thì thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là 07 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ; trường hợp vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn tạm giữ không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ.

Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc xác minh các tình tiết có liên quan nhưng tối đa không quá 1 tháng, kể từ ngày tạm giữ.

Đối với vụ việc thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn tạm giữ có thể được tiếp tục kéo dài nhưng không quá 02 tháng, kể từ ngày tạm giữ.

------------------------------

Để giúp bạn đọc phần nào hiểu sâu hơn về vấn đề tạm giữ phương tiện do vi phạm luật giao thông đường bộ cũng như viện dẫn áp dụng trên thực tế, Luật Minh Gia gửi tới tình huống sau đây:

Câu hỏi tư vấn:

Tôi có điều khiển xe ô tô vi phạm: Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường  (ATKT&BVMT) quá hạn sử dụng 2 tháng, chở quá tải 107,6% và bị cảnh sát giao thông tịch thu giấy phép lái xe và phương tiện (trong biên bản ghi tịch thu phương tiện đến 07 ngày). Hiện nay đã hết thời hạn 07 ngày, tôi đã xuất trình được giấy chứng nhận kiểm định. Và tôi có đề nghị với bên cảnh sát giao thông cho tôi nộp giấy chứng nhận kiểm định ATKT&BVMT vào để xin phương tiện ra lưu hành. Còn việc nộp tiền phạt vi phạm tôi xin chấp hành sau. Tôi xin hỏi luật sư trường hợp này tôi có được lấy xe hay không. Chân thành cám ơn luật sư.

 Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Trường hợp của bạn đã vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không dân dụng thì bạn đã vi phạm các điều khoản sau:

- Thứ nhất, về lỗi Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT&BVMT) đã hết hạn sử dụng từ 1 tháng trở lên tham gia giao thông:

Tại Điểm c Khoản 9 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:
“9. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

c).  Đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định) hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 01 tháng trở lên (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) tham gia giao thông.

- Thứ hai, về lỗi chở hàng vượt quá trọng tải quy định

Theo điểm a Khoản 1 Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Xếp hàng hóa lên mỗi xe ô tô (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) vượt quá trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 10% đến 50% (trừ xe xi téc chở chất lỏng), trên 20% đến 50% đối với xe xi téc chở chất lỏng.

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung tại Khoản 32 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về việc tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm như sau:

1. Để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền được phép tạm giữ phương tiện trước khi ra quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 2, khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) đối với những hành vi vi phạm được quy định tại các điều, khoản, điểm sau đây của Nghị định này:

...

k) Điểm đ, điểm g, điểm h, điểm k khoản 5; điểm b, điểm e, điểm h khoản 8; điểm c, điểm i khoản 9; điểm b khoản 10 Điều 30.

Như vậy, trong trường hợp này, hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ thuộc điểm c Khoản 9 Điều 30, do đó người có thẩm quyền được phép tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính.

Theo Khoản 1 Điều 78 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định như sau:

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt, trừ trường hợp đã nộp tiền phạt quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này. Nếu quá thời hạn nêu trên, thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp”.

Bên cạnh đó không có quy định pháp luật nào điều chỉnh về vấn đề tạm hoãn hay nộp chậm tiền phạt vi phạm hành chính. Do vậy bạn không thể nộp giấy tờ để xin đưa phương tiện ra lưu hành trước và nộp tiền phạt sau. Hai việc này phải diễn ra đồng thời để có thể giải quyết được vi phạm hành chính của bạn.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo